"Tôi đã có cơ hội trao đổi lâu với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng và chúng tôi cũng đã thảo luận về những vấn đề này. Thay đổi chế độ ở Nga không phải mục tiêu của NATO, cũng không phải mục tiêu của Tổng thống Mỹ", Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời phỏng vấn hôm 27/3.
Bình luận của ông Olaf được đưa ra một ngày sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Warsaw, Ba Lan, trong đó chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. "Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục cầm quyền", ông Biden nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ hôm 25/2. Ảnh: AFP.
Nhà Trắng sau đó lên tiếng khẳng định phát biểu này không có nghĩa là Washington đang tìm cách "thay đổi chế độ" tại Moskva. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó cũng giải thích tương tự, nói rằng ý của ông Biden là ông Putin không được tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hay bất kỳ nước nào.
Điện Kremlin đánh giá những lời lẽ của ông Biden có thể gây tổn hại quan hệ song phương. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định "đó không phải quyền quyết định của ông Biden" khi được đề nghị bình luận về thông tin. "Tổng thống Nga được bầu bởi người dân Nga", ông nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tỏ ra không đồng tình với những bình luận của Tổng thống Mỹ. Ông cho rằng không nên "leo thang" tình hình bằng những ngôn từ nhằm vào ông Putin.
"Trước tiên cần đạt lệnh ngừng bắn, sau đó là lực lượng Nga rút toàn bộ khỏi Ukraine, thông qua các biện pháp ngoại giao. Nếu muốn làm điều đó, chúng ta không thể leo thang bằng ngôn từ hay hành động", Macron nói với đài truyền hình France 3.
Macron cho biết ông sẽ điện đàm với ông Putin trong hôm nay hoặc ngày mai để thảo luận về đề xuất từ Pháp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để sơ tán người Ukraine khỏi thành phố cảng Mariupol đang bị lực lượng Nga bao vây.
Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và giao tranh đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Nga đẩy mạnh các cuộc tiến công ở phía tây Ukraine từ giữa tháng 3, sau giai đoạn đầu chỉ tập trung công kích các mục tiêu ở miền bắc, miền nam và miền đông. Nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đã chuyển vũ khí cho Ukraine, chủ yếu qua cửa ngõ ở phía tây nước này.
Huyền Lê (Theo AFP)