Valeriy Shevchenko (33 tuổi) từng cảm thấy mình đã hoàn thành xong việc mua bán lớn nhất đời khi vượt qua nhiều người khác để mua căn hộ 2 phòng ngủ tại một trong những quận nổi tiếng nhất Berlin. Tuy nhiên, hai năm sau, giấc mơ mua nhà của anh tan biến, khi hãng bất động sản Project Immobilien phá sản.
Việc xây dựng đột ngột dừng lại, các công nhân rời công trường. Tòa nhà của Shevchenko mới hoàn thiện phần thô.
"Từ giữa tháng 8, việc xây dựng đã đóng băng. Khu nhà ở cho công nhân, cần cẩu, mọi thứ đều biến mất", Shevchenko cho biết.
Cảnh tượng này đang ngày càng phổ biến trên khắp nước Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi các hãng bất động sản hàng đầu họp bàn trong hôm 25/9, với mục tiêu tái khởi động việc xây dựng.
Nhiều năm qua, lãi suất thấp kỷ lục và nhu cầu nhà ở cao đã giúp các dự án mới tại Đức bùng nổ. Đầu tư vào thị trường bất động sản ở nước này cũng tăng vọt. Tuy nhiên, sau khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, giá tiêu dùng tăng mạnh buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất liên tiếp để ghìm lạm phát. Việc này khiến lãi suất cho vay mua nhà ở Đức tăng cao, làm giá nhà đất và lợi nhuận của các dự án bất động sản sụt giảm.
Các công ty xây dựng còn chịu tác động từ chi phí nguyên vật liệu tăng. Vấn đề này đã bắt đầu từ trong đại dịch, nhưng trầm trọng hơn dưới tác động của chiến sự. "Nhà đầu tư không còn biết làm thế nào để có lời từ các dự án nữa", Tim-Oliver Mueller - Chủ tịch liên đoàn ngành xây dựng Đức (HDB) cho biết trên AFP.
Đại gia bất động sản Đức Vonovia gần đây đã quyết định dừng 60.000 dự án. Đây được coi là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng nhà đất tại Đức.
Theo một khảo sát gần đây của viện nghiên cứu kinh tế Ifo, 20% hãng bất động sản tham gia cho biết đã thông báo hủy dự án xây dựng trong tháng 8. 11,9% nói rằng gặp rắc rối về tài chính. Ifo cho biết đây là các con số chưa từng có tiền lệ trong 30 năm qua.
Nhiều dự án bị dừng khi đã xây dựng được đáng kể, khiến người mua tiến thoái lưỡng nan. "Tôi không phải là người giàu có. Số tiền tôi đổ vào đây đều là mồ hôi nước mắt từ việc đi làm", Shevchenko nói. Anh đã trả được 250.000 euro (266.000 USD) cho căn hộ giá 500.000 euro.
Khi hãng bất động sản và người mua đều không mua bảo hiểm, họ không được bảo vệ về tài chính trong trường hợp phá sản đột ngột. Hy vọng duy nhất hiện tại của họ là doanh nghiệp nào đó tiếp quản việc xây dựng.
"Tôi không nghĩ điều như thế có thể xảy ra ở Đức đâu", Marina Prakharchuk (39 tuổi) cho biết. Bà đã đổ vào đây 175.000 euro cho một căn hộ 45 m2. "Đó là toàn bộ tiền tiết kiệm của tôi", bà nói.
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Đức đang có nguy cơ biến thành khủng hoảng xã hội. Chính phủ nước này cam kết xây 400.000 nhà mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu hụt, do nhu cầu từ lao động nước ngoài và người tị nạn. Tuy nhiên, nửa đầu năm, số giấy phép xây dựng được cấp ra giảm 25% so với năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng số giấy phép mới năm nay và năm sau cũng sẽ chẳng khá hơn. Khi số nhà xây mới giảm, giá thuê lại tăng, càng siết túi tiền của các hộ gia đình.
Bộ trưởng Nhà ở Đức Klara Geywitz gần đây công bố kế hoạch hỗ trợ chỗ ở cho các gia đình. Bà cũng cam kết đầu tư 1 tỷ euro từ nay đến năm 2025 để có nhà ở cho sinh viên.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các đề xuất này vẫn là chưa đủ. "Chúng tôi cần các giải pháp toàn diện hơn. Ngành này đang rất tệ. Mọi người đều cấp bách tìm nhà", Mueller kết luận.
Hà Thu (theo AFP)