Sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine được thể hiện rõ trong Hội nghị An ninh Munich cấp cao hôm nay, với sự tham dự của các quan chức hàng đầu từ Mỹ, châu Âu, Ukraine và Nga.
Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, chỉ huy quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng phương Tây nên cân nhắc khả năng quân sự trong vấn đề Ukraine.
"Tôi không nghĩ chúng ta nên loại bỏ lựa chọn quân sự", ông Breedlove nói với một nhóm phóng viên tại hội nghị.
Tuy nhiên, Breedlove cho hay ông đang nhắc đến khả năng cung cấp vũ khí và thiết bị cho quân đội Ukraine chứ không phải là điều binh. "Không có cuộc thảo luận nào về bộ binh", ông nói.
Tướng Breedlove nói thêm rằng các đề xuất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine là "hoàn toàn không chấp nhận được".
Mỹ đang cân nhắc kế hoạch hỗ trợ vũ khí sát thương, các hệ thống chống tăng và chống pháo cho quân đội chính phủ Ukraine, sau khi lực lượng này có vẻ đang bị phe ly khai đẩy lùi dần trên chiến trường.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel cho rằng kế hoạch hòa bình mà Đức và Pháp đề xuất cho Kiev và Moscow hai ngày qua rất đáng thử, dù bà "không chắc nó có thành công hay không".
Bà Merkel nghi ngờ hiệu quả của việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine chống lại các phần tử ly khai.
"Tôi hiểu cuộc tranh luận nhưng tôi tin rằng thêm vũ khí sẽ không dẫn đến tiến bộ mà Ukraine cần có. Tôi thực sự nghi ngờ điều đó", bà nói. "Nếu thật sự không thể giải quyết vấn đề bằng quân sự, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung nỗ lực vào những cách khác. Đã có một lượng lớn vũ khí ở khu vực này và tôi không cho rằng một giải pháp quân sự khả thi hơn".
Cơ hội cuối cho hòa bình
Bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa bay về nước sau khi đến Moscow và có cuộc họp kín dài 5 tiếng với ông Putin hôm qua. Ông Hollande xem đây là cơ hội cuối cùng để chấm dứt cuộc chiến ở đông Ukraine vốn đã khiến hơn 5.000 người thiệt mạng.
"Nếu chúng ta không tìm ra một thỏa thuận hòa bình lâu dài mà chỉ là một sự thỏa hiệp thì chúng ta biết rất rõ mọi chuyện sẽ như thế nào. Nó có một cái tên, gọi là chiến tranh", ông Hollande nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ sự lạc quan về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine nhưng cũng cảnh báo về những nguy cơ của việc hỗ trợ vũ khí cho quân đội Ukraine.
"Quan điểm này sẽ làm trầm trọng thêm bi kịch của Ukraine", ông nói tại hội nghị Munich. Ông đồng thời đổ lỗi cho Mỹ và châu Âu đang thổi bùng cuộc khủng hoảng.
Tại Munich, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cho rằng sáng kiến hòa bình của Đức và Pháp có thể phát huy hiệu quả.
Lãnh đạo Ukraine, Thủ tướng Merkel và và phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu cuộc gặp ba bên bên lề hội nghị để thảo luận về kế hoạch này. Ngày mai, bà Merkel sẽ tiếp tục bay sang Washington để gặp ông Obama.
Anh Ngọc