Nghệ sĩ nói về âm nhạc và công việc sáng tác ở tuổi 77, dịp tổ chức live concert kỷ niệm 60 năm làm nghề, sẽ diễn ra ở Hà Nội vào tối 11/5.
- Liveshow "Những gì đến tự nhiên" có ý nghĩa như thế nào với ông?
- Đúng như tên gọi, show đến một cách tự nhiên khi tôi không có chủ đích hay ý định gì. Vào một ngày đẹp trời mùa thu năm ngoái, tôi và một nhà sản xuất gặp nhau cà phê trò chuyện. Cô ấy đề nghị cùng tôi thực hiện chương trình kỷ niệm 60 năm làm nghề, tôi thấy hay nên gật đầu. Gần nửa năm chuẩn bị, tôi làm việc với một êkíp nhiệt tình, nghệ sĩ tên tuổi như Mỹ Linh, Bằng Kiều. Tôi cũng thích kết nối với thế hệ trẻ như Bảo Anh, Nguyên Hà, Quốc Thiên, Phương Vy bởi năng lượng của họ hay lắm. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể đón nhận cái mới để làm cuộc đời mình tốt hơn.
Tôi chọn lời hát của ca khúc Và tôi cũng yêu em để đặt cho show vì nghĩ tại sao mình không sống theo những điều đã nói. Trong nhạc phẩm, tôi viết: "Tôi yêu những gì đến tự nhiên/ Những câu nói thành thật". Những gì đến tự nhiên là cách nói dài của chữ "duyên". Tôi tin khi có duyên, mọi chuyện sẽ thành một cách tốt đẹp.
- Ông làm thế nào duy trì được năng lượng và nhiệt huyết ở tuổi 77?
- Từ lúc bắt đầu hoạt động nghệ thuật đến nay, tôi chưa bao giờ đòi hỏi ở âm nhạc điều gì cả. Tôi tin không ai chọn đỉnh núi để leo mà chính ngọn núi chọn chúng ta. Tôi yêu việc làm nhạc nên chưa bao giờ thấy nhàm chán. Tôi mệt thì ngủ, đói thì ăn, mỏi chân thì không đi. Tôi sống rất tùy hứng.
Cách đây 17 năm, tôi làm liveshow tại TP HCM. Lúc đó, tôi chưa có nhiều sáng tác như bây giờ. Hiện tôi làm một phòng thu âm nhỏ tại nhà, mỗi ngày tôi đều luyện tập, thu thập kinh nghiệm để có dịp tri ân khán giả dành tình cảm yêu thương cho bài hát của mình. Tôi thích làm một chương trình live vì có năng lượng "tươi" chứ không phải "đóng hộp". Chắn chắn, đây là điều mà cả êkíp và khán giả đều hướng tới.
- Áp lực của ông khi thực hiện show?
- Tôi làm mọi cách để tránh áp lực vì hiểu rõ lý do chính yếu khiến mọi người thiếu sức khỏe, suy yếu tinh thần là do stress. Chúng ta bị căng thẳng vì không có thời gian lại muốn làm nhiều việc, đôi khi quá cầu toàn rồi bực mình với những điều không theo ý. Không ai có thể biết mình sống thọ bao nhiêu. Vì vậy mỗi ngày ta sống sao cho trọn vẹn, đó là thương chính mình.
Con người không ai tránh được lầm lỗi, phải biết tha thứ cho bản thân, đừng để năng lượng uẩn ức đó lan tỏa, phải giải quyết ngay. Hơn 60 năm làm nghề, tôi cố gắng để âm nhạc không sở hữu tôi hoặc khán giả biết hết về mình. Tôi sống giản dị, ẩn dật và sự tĩnh lặng giúp tôi sáng tác được.
- Ông gặp khó khăn gì trong việc chọn ca sĩ thể hiện ca khúc của mình?
- Ai cũng nghĩ nhạc Đức Huy giản dị, lời lẽ mộc mạc, không cao siêu, ai hát cũng được. Trong cái dễ lại có điều khó cho tôi là không biết đặt để bài cho ai vì ca sĩ nào thể hiện cũng hợp. Vì vậy, trong live concert này, tôi giao cho giám đốc âm nhạc tự xử lý.
Theo nhận xét của mọi người và tôi cũng nghĩ vậy, Ngọc Lan là một trong số ca sĩ hát nhạc của tôi thành công nhất nhưng cô ấy đã qua đời. Bây giờ, ai hát nhạc Đức Huy là tôi cảm ơn, không quan trọng hay, chỉ thích hay không thôi.
- Cảm hứng sáng tác của ông hiện tại đến từ đâu?
- Tôi góp nhặt mọi thứ trong cuộc sống, để đó suy ngẫm rồi viết. Tôi không mong ước phải có sản phẩm để giữ gìn tên tuổi hay dự thi, chỉ làm vì yêu.
Trong Những gì đến tự nhiên, tôi sẽ giới thiệu một bài hát sáng tác cách đây 5 năm. Lúc đó, tôi không ra MV vì tốn kém quá, sợ lại lạc vào con đường đeo đuổi công danh. Bây giờ, tôi thấy đủ duyên ra mắt công chúng, đó là bài Rồng rồng cua cua (cách nói lái của Rùa rùa công công). Hồi 13, 14 tuổi tôi nghe radio giới thiệu chương trình vọng cổ nhạc sĩ Năm Cơ đờn kìm là Năm Kim đờn cò, thấy dễ thương và bắt đầu tìm hiểu sự độc đáo của ngôn ngữ miền Nam. Tôi tìm ra tên hai con vật nói lái lại thành hai con khác là cua, rồng thành công, rùa. Trong phần đầu giới thiệu thế nào là con công, tôi viết: "Đi giày cao gót chạy marathon đó là con công". Bài này có một đoạn rap, có thể tôi sẽ hát bằng tiếng Huế cùng Thịnh Suy (cười).
- Cuộc sống hiện tại của ông ra sao?
- Sau đại dịch, tôi đã nghĩ đến chuyện nghỉ hưu. Tôi chỉ bận tâm đến việc nuôi cá rồi trồng cây trong nhà kính. Ở tuổi 77, đến lúc tôi cần biết buông bỏ những điều bấy lâu nay theo đuổi. Tôi hạnh phúc khi mỗi ngày có thời gian quây quần bên bữa cơm gia đình với mọi thành viên. Tôi thấy cuộc đời yên ổn khi bằng lòng với những gì đang có, bởi "Trời cho thì không thấy mà lấy đi chẳng bao giờ hay".
Vợ chồng tôi quen với việc "liệu cơm gắp mắm", có nếp sống không phức tạp. Cả hai luôn hiểu biết, tôn trọng nhau, lúc nào cũng nghĩ niềm vui gia đình là ưu tiên số một. Tôi có chút ít tiền hưu, tác quyền nên sống đủ.
Nhạc sĩ Đức Huy quê ở Hà Nội. Hoạt động âm nhạc từ thập niên 1960 đến nay, ông có nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như Và tôi cũng yêu em, Bay đi cánh chim biển, Đừng xa em đêm nay, Đường xa ướt mưa, Và con tim đã vui trở lại, Yêu em dài lâu. Năm 2004, sau thời gian dài định cư ở Mỹ, ông quyết định về nước sống, phát hành album Và con tim đã vui trở lại. Nhạc sĩ lập gia đình với Huỳnh Thư - vốn là fan của ông và có hai con, bé trai 12 tuổi, bé gái sáu tuổi.
Hoàng Dung