Đức Hùng đến với nghệ thuật như một sự tình cờ. Đầu tiên, anh định theo ngành Y vì thích tò mò, khám phá. Nhưng gia đình năm cô con gái, chỉ có một cậu con trai nên bố mẹ quý hơn vàng, không cho làm bác sĩ sợ vất vả trực đêm hôm mà muốn quý tử theo nghệ thuật vì nghĩ sẽ được sung sướng, bóng bẩy. “Có biết đâu vào nghệ thuật còn khổ hơn ngành Y” - Đức Hùng cười nhớ lại.
Đức Hùng tham gia biểu diễn tiết mục múa rối nước "Chú Tễu" ở Australia năm 2000. |
Từng bị múa rối bỏ rơi
16 tuổi, Đức Hùng được chị gái cả dẫn đến thi tuyển trường Nghệ thuật Hà Nội. Lúc đó, trường tuyển nhiều diễn viên lĩnh vực kịch nói, chèo, xiếc… Anh chàng công tử con nhà khá giả, ngoại hình bảnh bao được khuyên thi kịch nói. Bản thân Đức Hùng từng tham gia lớp năng khiếu kịch nói từ năm 12 tuổi ở Cung Văn hoá thiếu nhi, cạnh lớp thanh nhạc của Thanh Lam, Hồng Nhung nhưng chẳng hiểu sao lại đắm đuối với múa rối. “Tôi không có câu trả lời cho sự thích thú ấy của mình” - Đức Hùng lý giải.
Ngày ấy, múa rối còn rất sơ khai, mới là rối cạn. Khi nhiều bạn lớp kịch nói, cải lương đã nổi tiếng, có người thành “sao” như Thu Hà thì lớp múa rối vẫn là những người thấp cổ bé họng, chẳng được ai chú ý. Bị nhiều người chê không biết thời thế, Đức Hùng vẫn khăng khăng với lựa chọn của mình. Càng học, anh càng bị mê hoặc bởi múa rối là môn nghệ thuật có tính ước lệ rất cao, cho diễn viên thoải mái sáng tạo, hoá thân vào những con vật, thoại cho những nhân vật không phải là người. Tuy vậy, đôi lúc, những nghệ sĩ múa rối như Đức Hùng cũng cảm thấy chạnh lòng khi luôn đứng sau phông đen, thể hiện bằng bàn tay, giọng nói mà chẳng được “vua biết mặt, chúa biết tên”. Họ không tự tin như diễn viên kịch nói, điện ảnh vì không được "va đập" với ánh sáng sân khấu dù khoá của Đức Hùng, học viên nam thấp nhất cao 1,73 m, hình thức chẳng kém ai.
Tốt nghiệp năm 1986, Đức Hùng được phân về Đoàn múa rối Hà Nội đúng lúc đoàn có những biến động về nhân sự. Toàn bộ 12 người chỉ giữ lại hai, 10 người trong đó có Đức Hùng bị cho tạm nghỉ. Giữa lúc bị nhà hát bỏ rơi, buồn và hoang mang, Đức Hùng cho rằng cuộc đời nghệ thuật của mình đã chấm dứt. Anh đi tuyển phát thanh viên, trúng tuyển nhưng lại bỏ. Những ngày ở nhà thất nghiệp xui khiến Đức Hùng đến với thời trang.
Đúc Hùng (sơ mi kẻ) đứng cạnh Hoa hậu Báo Tiền Phong Thiên Nga trong lễ đăng quang năm 1996. |
Định nghỉ múa rối để cứu vãn thời trang
Từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường, Đức Hùng thường giúp các bạn thiết kế trang phục để trả bài thi. Hồi bao cấp, nguyên liệu chỉ là những mảnh vải cũ, những quần áo vá được cắt nối, trang trí với dây kim tuyến nhưng chàng trai Hà Nội đã manh nha khả năng sáng tạo. Mọi người bắt đầu biết đến tên Đức Hùng từ cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong năm 1992, khi thiết kế trang phục cho người đẹp Vi Thị Đông, người đoạt giải Á hậu. Tiếp đến, hàng loạt Hoa hậu như Hà Kiều Anh, Thu Thủy, Thiên Nga gửi gắm sự tin tưởng vào anh. Trang phục của Thiên Nga đăng quang Hoa hậu năm 1996 được Đức Hùng sáng tạo như một chú thiên nga thực thụ.
Năm 1993, Nhà hát gọi diễn viên về. 10 người từng bị cho nghỉ hầu hết đã ổn định nên không muốn thay đổi. Riêng Đức Hùng đã nổi tiếng vẫn háo hức được quay lại với múa rối. Năm 1994, Nhà hát tham gia hội diễn, Đức Hùng nhận huy chương bạc đầu tiên với vai Thỏ trong vở Thỏ và Rùa.
Từ 1996, say sưa nghệ thuật múa rối, Đức Hùng gần như quên bẵng thời trang. “Tôi cảm thấy mình không bản lĩnh, chỉ đi được một chân, thu nhập không thể đảm bảo cho cuộc sống. Các bạn cùng lứa cũng nổi tiếng hết, làm tôi càng sốt ruột” - Đức Hùng nhớ lại. Anh gặp giám đốc nhà hát, xin nghỉ việc để cứu vãn thương hiệu. Vị giám đốc từng trải khuyên anh, trồng cây sắp tới ngày ăn quả, đừng vội nản lòng. Nhờ lời khuyên chân thành ấy, Đức Hùng đã cố cân bằng giữa hai niềm đam mê. Liên tiếp nhiều năm, Đức Hùng nhận được các huy chương vàng, bạc của các liên hoan múa rối trong và ngoài nước. Trong gần 30 năm theo nghề múa rối, anh đi diễn trên 30 nước, nhiều nước tới 3-4 lần như Tây Ban Nha, Nhật… Có lần sang Australia biểu diễn gần bốn tháng, giao thừa Việt Nam trời lạnh căm căm nhưng ở Australia nắng gắt. “Tôi vốn là người thích Tết, khi ấy lại mới có con đầu nên nhớ nhà không chịu được. Lần đầu tiên múa rối lấy được nước mắt của tôi” - Đức Hùng bồi hồi nhớ lại.
Hiện anh là trưởng đoàn diễn viên 1 của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Mang tư cách trưởng đoàn, Đức Hùng vừa phải lo công việc điều hành, vừa phải trực tiếp đứng biểu diễn. Thường nhà hát nghiêng về rối nước, phục vụ cho các đoàn khách nước ngoài; rối cạn dành phục vụ các kỳ hội diễn, trường học và những ngày hội của thiếu nhi. “Rối cạn còn nhàn chứ rối nước thì vất vả hơn nhiều. Những hôm Hà Nội xuống 8-9 độ, chúng tôi vẫn ngâm mình trong nước nhưng lạ một điều, không ai kêu ca, kể khổ. Yêu nghề nên khó khăn với chúng tôi chỉ là chuyện thường này ở huyện” - Đức Hùng trải lòng.
Đắm chìm trong văn hóa dân gian của múa rối, Đức Hùng muốn đưa bản sắc dân tộc vào thời trang. Anh cho rằng, chính nhờ theo nghề múa rối, những thiết kế của anh có sự khác biệt, không bị trùng lặp với ai. Hàng loạt người đẹp như Vũ Cẩm Nhung, Trần Thị Quỳnh, Hương Giang, Thùy Dung, Huỳnh Bích Phương… đã tin tưởng hợp tác cùng Đức Hùng. Anh từng nhờ người đẹp Đặng Minh Thu tặng một bộ áo dài thêu phong cảnh vịnh Hạ Long cho ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2007 để bán đấu giá. Bên cạnh đó, Đức Hùng còn được mời làm nhà thiết kế trang phục trong liên tiếp ba kỳ Sao Mai điểm hẹn và được chọn trình diễn bộ sưu tập áo dài nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đức Hùng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu NSƯT hôm 27/5. |
Bản thân Đức Hùng tự nhận, anh luôn bình tĩnh trước mọi khen chê. Anh từng bị chê lên bờ xuống ruộng khi thiết kế trang phục cho Ngọc Minh ở Sao Mai điểm hẹn 2008, Minh Chuyên ở Sao Mai điểm hẹn 2010. “Tôi không biện bạch cái mọi người chê là sai, là xấu. Thời trang có tính đặc thù, thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ như một nhịp thở. Làm nghệ thuật là phải thể hiện ra cá tính” - Đức Hùng trả lời. Theo anh, bản thân ba chữ nhà thiết kế đã nói lên công việc của một con người làm sáng tạo. Khi nhà thiết kế đưa ra một mẫu nào đó nhưng người nhìn vào đánh giá copy hoặc trùng ý tưởng thì đã thất bại. “Cá nhân tôi nghĩ sự trùng ý tưởng rất khó xảy ra. Trùng ý tưởng thường xảy ra khi cùng nền văn hóa vì xuất phát ở đâu, điểm mạnh ở đó, nhưng hai người ở hai đất nước cách nhau đến nửa vòng trái đất mà trùng ý tưởng tới 90% thì lạ tai lắm. Chúng ta cũng chẳng cần làm ầm ĩ, quy kết tội này tội kia. Nhà thiết kế ấy đạo hay không đạo, tự bản thân người đó biết. Tôi thích một câu trong bài Phượng hồng: Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu” - Đức Hùng cười cười bình luận.
Cá tính như vậy, Đức Hùng từng được bạn thân là Đức Hải mượn hình ảnh đưa vào vai diễn Hùng Long trong Những cô gái xấu xí. “Với tôi, Đức Hải vừa như một người anh, vừa như một người thầy. Hai anh em cùng đạt NSƯT một đợt. Chính anh Hải đã gọi điện chúc mừng tôi. Đó là một trùng hợp đặc biệt và hạnh phúc” - Đức Hùng chia sẻ về niềm vui vừa nhận được trong tháng 5.
‘Tôi là nước sôi, vợ là cục đá’
Có khoảng lặng hiếm hoi, Đức Hùng tự nghĩ về mình và buồn cười. Hiếm người đàn ông 45 tuổi nào vẫn nháo nhào đến mức bị mọi người trêu đùa là thừa năng lượng như anh. Anh không còn bận tâm giữa múa rối và thời trang mà đủ bản lĩnh đi song song trên cả hai con đường. “Người Việt Nam hay e ngại khi nói về mình nhưng tự tôi thấy tôi thành công với chính tôi” - Đức Hùng tự hào.
Đức Hùng bên vợ và hai con gái. |
Điều anh áy náy nhất là không có thời gian dành cho vợ con. Hai cô con gái thiệt thòi vì ít khi được đi chơi với bố. Có lần sắp xếp mãi, Đức Hùng mới đưa được gia đình đi siêu thị. Đến nơi, vì quá mệt do diễn về khuya lại thức vẽ mẫu, Đức Hùng đành để vợ cùng hai con tiếp tục sắm đồ còn mình thì về ngủ. Chưa bao giờ gia đình anh đi chơi đúng vào các ngày lễ. Ngày 1/6, cả nhà thường đi chơi từ 31/5, Quốc tế Thiếu nhi nhưng các con không tới xem bố diễn. “Chẳng hiểu sao chúng rất sợ múa rối. Nhiều người chúc mừng tôi vì điều đó, nhưng bản thân tôi lại buồn. Dù vất vả, tôi vẫn muốn con yêu nghề bố” - Đức Hùng tâm sự.
Tối tai tối mắt với múa rối và thiết kế, Đức Hùng còn chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ và ôm mộng học tiếp lên tiến sĩ. Bà xã chính là người động viên anh cố gắng. Hỏi về bà xã, Đức Hùng ngay lập tức kể câu chuyện vui: “Một người bạn tôi làm luật sư, biết rõ cả hai vợ chồng. Một người bạn gái khác chỉ biết tôi nhưng không biết vợ. Cô ấy đi hỏi anh luật sư về vợ tôi và nhận được câu trả lời hóm hỉnh: Anh Hùng thiếu gì, vợ anh ấy có cái đó”. Không muốn khen vợ nhiều, sợ giống nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ lên báo ca tụng nhau rồi mấy hôm sau ai đi đường nấy, Đức Hùng chỉ bảo, nếu như anh là nồi nước sôi thì vợ anh là cục đá, thả vào nồi nước để anh cân bằng lại.
Bản thân vợ Đức Hùng là người khôn ngoan, ghen cũng rất tinh tế. Chân không dài, vợ anh vẫn rất tự tin vì ý thức được những thế mạnh của mình. Việc chồng ngày ngày đi cùng các cô người đẹp, chị không tị ra mặt nhưng cũng thể hiện rất khéo. “Có lần hai vợ chồng ra sạp báo, vợ nhìn thấy hình cô hoa hậu từng có thời thân với tôi trên trang bìa một tạp chí, cô ấy đẩy quyển báo về phía chồng và nói mát: 'Anh mua quyển này đi'. Cách dỗi hờn của cô ấy rất đáng yêu nhưng là sự nhắc nhở tinh tế để tôi không đi quá giới hạn” - Đức Hùng cười, mắt rạng ngời.
Ngọc Trần