Những ngày này anh Đỗ Phạm Nhất Lĩnh, 35 tuổi, xã Tiên Mỹ, cùng hai nhân viên tất bật làm việc trong cơ sở chế tác trầm hương cảnh.
Cầm chiếc máy mài chạy bằng điện trên tay, anh Lĩnh cẩn thận mài những miếng gỗ màu trắng ra khỏi thân cây dó bầu dài gần nửa mét. "Đây là công đoạn mài ban đầu nhằm loại phần gỗ màu trắng ra khỏi thân cây, khi gặp chỗ màu đen thì dừng lại vì đó là trầm hương. Công đoạn sau không dùng máy chạy điện được mà phải dùng dụng cụ cầm tay đẽo trực tiếp", anh Lĩnh chia sẻ.

Anh Đỗ Phạm Nhất Lĩnh đùng máy tách gỗ lấy trầm hương. Ảnh: Đắc Thành
Anh Lĩnh sinh ra ở vùng quê có truyền thống trồng và chế tác cây trầm dó (hay còn gọi là dó trầm, dó bầu). Gần 20 năm trước, Lĩnh học nghề từ anh trai rồi mở cơ sở chế tác trầm hương cảnh tại nhà. Để có nguồn nguyên liệu, anh tìm mua những vườn trồng cây trầm dó trên 10 tuổi trên địa bàn huyện.
Cây trầm dó trưởng thành cao trung bình 20 m, đường kính 30-40 cm, tán rộng 8-10 m. Sau khi mua, anh Lĩnh khoan lỗ tạo vết thương trên thân cây và cho thuốc tạo trầm hương vào. Loại thuốc này được chế biến theo công thức riêng của từng cơ sở làm trầm. Cây sẽ phản ứng tạo kháng thể bao quanh vết thương và đó chính là trầm hương.
Sau hơn một năm vào thuốc, anh Lĩnh bứng nguyên gốc và thân cây đưa về để quanh vườn, rồi thuê hai nhân công tay nghề cao chế tác dần. Tùy vào thế cây, người thợ phân đoạn trước lúc mài, đục. Để ra một sản phẩm trầm hương cảnh, họ phải qua nhiều công đoạn gồm "bổ, chẻ, đục, đẽo, phá, tỉa, mài và đánh bóng sản phẩm".
Phần gỗ màu trắng mài, đục rơi ra sẽ được phơi nắng và nấu tinh dầu, hoặc xay lấy bột làm nhang. Trầm hương (phần gỗ màu đen) để nguyên cây hoặc cắt từng miếng nhỏ bán ra thị trường.
Mỗi năm cơ sở anh Lĩnh bán ra thị trường khoảng 500 cây trầm hương cảnh và vài tấn nguyên liệu làm nhang, nấu tinh dầu. "Nghề đẽo trầm đòi hỏi đức tính kiên trì, cẩn thận để có sản phẩm đẹp và tránh bị tai nạn trong lúc dùng máy mài. Ba năm trước, trong lúc mài tôi thiếu tập trung đã bị máy cắt vào tay", anh Lĩnh nói.
Giá bán cây trầm cảnh tùy theo loại, từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng cho sản phẩm chế tác loại nhỏ, để trang trí trong nhà; loại lớn và trầm xuất khẩu có thể lên đến vài chục triệu đồng.

anh Đỗ Đình Luân dùng đục tỉa lớp gỗ trắng. Ảnh: Đắc Thành
Bên trong xưởng trầm của anh Lĩnh, anh Đỗ Đình Luân, 33 tuổi, xã Tiên Mỹ, vừa gọt tỉa một sản phẩm, vừa chia sẻ "với những mạch trầm uốn lượn, phải dùng đục nhẹ nhàng nạo từng lớp gỗ mỏng". Nhiều sản phẩm phức tạp, anh Luân phải đục và gọt tỉa cả tháng trời. Tiền công mỗi ngày của anh Luận là 200.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Phượng, 35 tuổi, một nhân công khác trong xưởng, cho hay công đoạn tỉa trầm là khó nhất, vì càng vào sát mạch trầm thì người thợ càng phải nhẹ tay.

Chị Nguyễn Thị Phương tỉa hết gỗ trắng hoàn thành cây trầm hương cảnh. Ảnh: Đắc Thành
Ông Võ Kim Chung, Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ, cho biết địa phương có hơn 10 hộ làm nghề chế tác sản phẩm trầm cảnh, cho thu nhập ổn định và khá hơn làm ruộng. "Các cơ sở này tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động", ông nói.
Người thợ tỉa gỗ tạo cây trầm hương cảnh. Ảnh: Đắc Thành