Hệ thống mang tên Q System One, nằm ở thị trấn Ehningen của bang Baden-Wurm, là chiếc đầu tiên thuộc loại này bên ngoài nước Mỹ và sẽ được vận hành bởi Viện Nghiên cứu Fraunhofer của Đức. Nó được phát triển bởi hãng IBM.
Phát biểu qua liên kết video tại buổi ra mắt trực tuyến, Thủ tướng Angela Merkel mô tả siêu máy tính là một "kỳ quan công nghệ", có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực làm chủ công nghệ, kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế của Đức.
"Chúng ta đang ở giữa một cuộc cạnh tranh khốc liệt (trong việc khai thác công nghệ mang tính cách mạng) và Đức muốn có tiếng nói", bà Merkel, nhà lãnh đạo kỳ cựu và là người có bằng hóa học lượng tử, nhấn mạnh.
Bên cạnh Đức, Mỹ và Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào cả nghiên cứu lượng tử và các ứng dụng thương mại tiềm năng của nó. Các nhà khoa học tin rằng một khi công nghệ bùng nổ, tính toán lượng tử siêu nhanh sẽ tạo ra sức mạnh cho sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực, từ phần mềm mã hóa thông minh hơn, trí tuệ nhân tạo đến nghiên cứu y tế và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Máy tính lượng tử có thể xử lý thông tin phức tạp với tốc độ đáng kinh ngạc, vượt trội hơn rất nhiều so với máy tính thông thường hiện nay.
Máy tính thông thường hoạt động theo kiểu nhị phân, có nghĩa là chúng thực hiện các tác vụ bằng cách sử dụng những đoạn dữ liệu nhỏ được gọi là bit, chỉ có thể nhận một trong hai giá trị là 0 hoặc 1. Trong khi đó, máy tính lượng tử sử dụng các mảnh dữ liệu được gọi là qubit, có thể nhận được cả 2 giá trị 0 và 1 cùng một lúc, cho phép chúng thu thập một số lượng lớn các kết quả tiềm năng đồng thời.
Máy tính lượng tử 27 qubit của Đức đã chạy thử từ tháng 2, nhưng sự kiện ra mắt bị hoãn lại cho đến nay do đại dịch. Hệ thống trông rất khác biệt so với máy tính thông thường. Nó được đặt trong một khối kính hình lập phương cạnh 2,7 m để che chắn các qubit mỏng manh khỏi tiếng ồn và nhiễu động. Các bộ phận bên trong như dây và ống của máy tính được bọc trong một hình trụ sáng bóng treo lơ lửng trên trần của khối lập phương.
Đoàn Dương (Theo AFP)