![]() |
Phố xa hoa nhất ở Dusseldorf có tên là "Ko". Ảnh: dw-world. |
Gần đây nước Đức đang rất cố gắng đưa các doanh nghiệp trở lại khu buôn bán trung tâm. Vài năm trước, các trung tâm mua sắm thường được xây ở rìa các thị trấn hay các khu vực hẻo lánh. Nhưng giờ đây, chúng dần xuất hiện lại trong thành phố. "Việc phát triển trung tâm mua sắm sẽ tập trung phần lớn ở các khu vực thương mại", Gerhard Kemper đại diện của Kemper's, một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất nước Đức, cho biết.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những tên tuổi như Gucci, Hermes, Leysieffer hoặc Godiva thì giá thuê mặt bằng càng có xu hướng tăng. Điều đó đặc biệt đúng ở Kaufingerstrasse, đại lộ với những cửa hàng quyến rũ nhất của Munich. Cũng theo truyền thống, trung tâm Bavaria là nơi có giá thuê đắt nhất đối với những người bán lẻ ở Đức. "Ở Munich, mỗi m2 cửa hàng cho thuê có giá khoảng 260 euro một tháng, chưa tính thuế và các khoản công ích xã hội", Kemper cho biết. Những thành phố như Frankfurt, Dusseldorf và Berlin cũng đang dần theo xu hướng này.
"Tìm được một địa điểm đẹp ở Dusseldorf, tại vị trí trung tâm và khu dân cư, đồng thời cũng thuận tiện với khách giao dịch nước ngoài là điều rất quan trọng với chúng tôi", Martin Kurz, đến từ một hãng thiết kế nữ trang nổi tiếng ở Dusseldorf, cho biết. "Các khách hàng của cửa hàng đại diện cho một bộ phận tiêu biểu của dân cư thành phố. Trên hết, các cửa hàng trên những phố xa hoa của Đức không thể chịu được việc thiếu khách."
Kemper ước lượng, trung bình thu nhập mỗi tháng của một nhà bán lẻ phải từ 8.000 euro đến 20.000 euro nếu không muốn bị lỗ. "Một cửa hàng có thể bị thua lỗ ban đầu nếu thời gian kinh doanh là ngắn hạn, nhưng nếu thời gian dài hạn hoặc trung hạn, nó phải có lãi và thực tế là vậy", Kemper nói.
Minh Châu (theo dw-world)