Nếu Đức dừng nhập khí đốt Nga từ giữa tháng 4, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống 1,9% trong năm nay và đẩy nước này vào suy thoái trong năm sau, các viện kinh tế hàng đầu Đức gồm DIW, Ifo, IfW Kiel, IWH và RWI hôm nay cho biết trong một tuyên bố chung.
Theo các viện này, Đức sẽ không thể khắc phục tác động của một cuộc tẩy chay khí đốt Nga trong vòng hai năm tới. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn có thể bị "thụt lùi" vào cuối năm 2023 đến năm 2024, khi nhu cầu năng lượng tăng vào mùa đông, trước khi "dần dần" khôi phục đà tăng trưởng.
Ngay cả khi không tẩy chay khí đốt Nga, chiến sự Ukraine đang làm chậm đà phục hồi của Đức sau cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19. Các viện kinh tế Đức cũng hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống còn 2,7%, từ mức 4,8% được đưa ra tháng 10 năm ngoái.
Các viện đồng thời nâng dự báo tăng trưởng Đức năm 2023 từ 1,9% lên 3,1%, theo kịch bản tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Đức đang đối mặt quyết định khó khăn trước lời kêu gọi từ các đồng minh phương Tây nhằm thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Nga sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.
Trong khi Mỹ và một số nước Đông Âu trong NATO kêu gọi tẩy chay năng lượng Nga ngay lập tức, Đức và một số nước khác vẫn e dè, cho rằng quyết định như vậy có thể gây thiệt hại quá lớn về kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng EU chưa thể dừng nhập khẩu khí đốt Nga vì động thái này sẽ gây tổn hại không chỉ cho Moskva. "Nguồn cung khí đốt không thể thay thế trong thời gian ngắn. Chúng ta sẽ tự gây tổn hại cho mình nhiều hơn là cho họ", ông Lindner nói, thêm rằng cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga "phải cần thời gian".
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Khí đốt từ Nga, được chuyển tới Đức qua các đường ống cố định, là nguồn cung năng lượng mà Berlin khó loại bỏ nhất. Đức hiện nhập khẩu 55% nhu cầu khí đốt và khoảng 1/3 dầu từ Nga. Một nửa lượng than của Đức cũng mua từ Nga, nhưng Berlin gần đây đã tìm thêm nhiều nguồn cung khác.
Nord Stream 2, đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan, bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái, dự kiến tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, dự án này đã bị Đức hủy bỏ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Huyền Lê (Theo AFP)