Các đảng đối lập Ba Lan gần đây cáo buộc chính phủ Ba Lan "dung túng" cho chương trình cấp thị thực bất hợp pháp liên quan người di cư từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, thị thực lao động được bán tại các lãnh sự quán Ba Lan trên khắp thế giới. Người di cư sẽ nhanh chóng nhận được thị thực sau khi thanh toán cho bên trung gian mà không có sự kiểm tra thích hợp.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 23/9 kêu gọi làm rõ vấn đề này và đề xuất Đức có thể thực hiện các bước liên quan việc kiểm tra biên giới với Ba Lan. Bộ Nội vụ Đức đã triệu tập đại sứ Ba Lan về vấn đề này.
"Thẩm quyền của Thủ tướng Đức rõ ràng không liên quan đến các quy trình đang diễn ra ở Ba Lan", Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau viết trên mạng xã hội X ngày 24/9. "Những tuyên bố về vấn đề này cho thấy nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của nhà nước Ba Lan và chiến dịch bầu cử đang diễn ra ở Ba Lan".
Ngoại trưởng Rau cũng kêu gọi Thủ tướng Scholz "tôn trọng chủ quyền của Ba Lan và kiềm chế những tuyên bố làm tổn hại đến mối quan hệ hai nước".
Trước đó, Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson cũng yêu cầu làm rõ vấn đề và kêu gọi Ba Lan phản hồi trước cáo buộc có tới 350.000 người di cư đã mua thị thực Schengen của EU tại lãnh sự quán Ba Lan thông qua trung gian.
Thị thực Schengen cho phép người sở hữu đến lãnh thổ các quốc gia thành viên khác trong EU. Ba Lan thừa nhận một số thị thực đã được cấp bất hợp pháp và truy tố 7 người liên quan, song Bộ trưởng Tư pháp Zbigniew Ziobro khẳng định việc Đức triệu tập đại sứ nước này dựa trên "thông tin sai sự thật trên truyền thông".
Vấn đề di cư đã nổi lên là chủ đề chính trước cuộc bầu cử ngày 15/10 ở Ba Lan. Trong thư gửi ủy viên an ninh EU, chính phủ Ba Lan cho biết sự việc đã bị truyền thông phóng đại nhằm làm mất uy tín của Warsaw trước cuộc bầu cử.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)