Cận Tết Nguyên đán, Hoàng Nguyễn Việt Anh chạy nhảy, cười đùa giữa những người lính công binh đang miệt mài xúc cát, dọn bãi làm thao trường. Lên năm tuổi, Việt Anh là cậu bé duy nhất sống ở đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) cùng với bố mẹ là anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh. Họ là công dân đầu tiên đến cắm lều, lập nghiệp trên đảo Trần.
Đến nay, anh chị Hiển - Cảnh vẫn là hộ dân độc nhất sống trên đảo và Việt Anh là mầm non duy nhất đem lại cho những người lính tiếng cười đùa. Không giấu niềm vui khi có những người khách từ đất liền ra thăm, chị Cảnh kể, anh chị quen nhau khi cùng mưu sinh trên biển. Bén duyên nhưng cuộc sống cơ cực, năm 2005, anh chị quyết định ra đảo Trần lập nghiệp. Bạn bè, bà con đều lắc đầu ái ngại.
Cậu bé duy nhất ở đảo Trần Hoàng Nguyễn Việt Anh rắn rỏi và khỏe mạnh. Ảnh: H.T. |
Những ngày đầu bám đảo, đôi vợ chồng trẻ sống trong ngôi lều tạm dựng bằng cót ép do bộ đội Biên phòng cho mượn. Chị bán hàng tạp hóa, anh chèo thuyền đánh cá ven bờ. Đảo Trần là nơi các tàu đánh cá qua lại nhiều và thường vào nghỉ ngơi nên việc buôn bán của chị Cảnh khá thuận lợi. Hết hàng, mẹ chị lại mua rồi nhờ tàu chuyển ra.
Những khi sóng to gió lớn, bộ đội lại mời gia đình chị vào đơn vị để tránh bão. Cuộc sống của đôi vợ chồng dần khá lên. Anh chị sắm được chiếc máy phát nhỏ để có điện thắp sáng, có tủ lạnh để bảo quản thức ăn, mua được bếp gas... "So với đất liền thì những thứ đó không là gì, nhưng với chúng tôi như vậy đã là hạnh phúc", chị Cảnh nói.
Năm 2009, khi chuẩn bị sinh đứa thứ hai, chị vào đất liền. Bé Hoàng Nguyễn Việt Anh ra đời đúng 40 ngày thì hai mẹ con lại ra bám đảo. Đứa con đầu chị gửi ông bà nuôi để cháu được đến lớp. Cùng với lời ru của mẹ, Việt Anh lớn lên trong tiếng sóng biển và tình yêu thương của bộ đội Hải quân, Biên phòng nơi đảo Trần xa xôi.
Hết loanh quanh trong nhà, Việt Anh lại chạy ra ngoài chơi với các chú bộ đội. Cậu bé lém lỉnh, đáng yêu với đôi mắt tròn xoe, đen láy. Cái mặn mòi của biển giúp công dân nhí duy nhất trên đảo thêm rắn rỏi, khỏe mạnh.
Đồn Biên phòng đảo Trần nhận đỡ đầu Việt Anh. Các chiến sĩ tâm sự, dành cho cậu bé tình yêu thương chính các anh cũng nhận lại niềm vui, hạnh phúc khi nghe tiếng cười nói của trẻ nhỏ, làm vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cũng chính vì vậy, Việt Anh không bao giờ thiếu bạn chơi, đơn vị nào cũng muốn "trông trẻ" để có được cảm giác đang ở đất liền.
Giữa năm 2012 gia đình chị Cảnh đã có ngôi nhà kiên cố. Ảnh: H.T. |
Giữa năm 2012, thực hiện đề án vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống, Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động phong trào: "Tuổi trẻ bộ đội biên phòng Quảng Ninh với 30 ngày trợ giúp hộ dân đầu tiên của đảo Trần ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất". Gần 100 triệu đồng được quyên góp, hàng trăm ngày công của cán bộ chiến sĩ dành cho gia đình chị Cảnh, giúp anh chị xây dựng ngôi nhà kiên cố với diện tích 60 m2. Cậu bé Việt Anh và bố mẹ có nhà mới để tránh mưa nắng.
Để đón năm Quý Tỵ, Việt Anh có quần áo mới, có nhiều bánh kẹo để ăn. Chị Cảnh cho hay, dù ở đảo xa, gia đình chị vẫn gói bánh chưng và làm các món ăn mang hương vị Tết của người Việt. Đã gần 8 năm, cái Tết cổ truyền với anh chị thêm phần ý nghĩa khi được chuẩn bị và đón năm mới cùng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo.
Đêm giao thừa, sau khi làm cơm cúng trời đất, bộ đội Biên phòng sẽ sang xông nhà cho gia đình chị Cảnh. Suốt ba ngày Tết, gia đình chị khăn gói đến từng đơn vị chúc Tết. Nếu như đồn biên phòng chỉ cách nhà hơn một km thì những trạm rađa của Hải quân đóng trên đỉnh núi phải đi bộ vài km. Có năm, vợ chồng chị và bé Việt Anh ở lại ăn Tết một ngày cùng các chiến sĩ rồi hôm sau mới về nhà. Mùng 4 Tết đại diện của các đơn vị sẽ tập trung ở nhà chị Cảnh để cùng nhau ăn bữa cơm mừng năm mới.
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có diện tích tự nhiên khoảng 4,4 km2, cách đảo Cô Tô 45 km về phía Đông Bắc. Ngày 9/7/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án "Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cô Tô". Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2013, vận động được từ 12 đến 15 hộ dân ra định cư trên đảo, thành lập thôn Đảo Trần, tiếp đó sẽ thành lập xã Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô. |
Hoàng Thùy