Sáng thứ hai, 15/12, bắt đầu cũng giống như mọi ngày với nhà quay phim kỳ cựu của Channel Seven, Greg Parker. Từ trụ sở chính của hãng, Parker có thể trông xuống khu Martin Place sầm uất.
Khi vụ bắt cóc con tin ở quán cà phê Lindt kết thúc, Parker mới có thời gian nhìn lại toàn cảnh tác nghiệp. Cái tên Lindt nhanh chóng choán hết suy nghĩ và hành động của Parker. Trong suốt 16 giờ, anh và một thiện xạ thuộc lực lượng cảnh sát phải cố gắng hết sức để quan sát mọi cử động của phần tử khủng bố có vũ trang Man Haron Monis vì hắn đang giữ 17 con tin trong quán Lindt, nằm đối diện với tòa nhà nơi Channel Seven đặt trụ sở.
Sau cuộc gọi cho cảnh sát, Parker đặt ba máy quay, trong đó có chiếc lắp ống kính 600 mm, sẵn sàng để ghi hình Lindt. Với loại máy hiện đại, Parker có thể bắt được những hình ảnh đặc biệt và khoảnh khắc đau khổ của nạn nhân một cách rõ nét nhất. Các con tin đến Lindt thưởng thức cà phê buổi sáng và giờ phải đối mặt với nguy hiểm thực sự.
Một trong những khuôn mặt nạn nhân khiến Parker nhớ mãi là một nhà quản lý dự án 43 tuổi, Marcia Mikhael. Cô được đưa đi khỏi hiện trường rạng sáng hôm sau với một vết đạn ở chân. Bà mẹ ba con hiện trong tình trạng ổn định ở bệnh viện.
"Với tôi, điều khó chịu nhất là phải chứng kiến ba phụ nữ bị bắt giương lá cờ đen có chữ Arab trắng lên cửa kính Lindt, và sau đó là hình ảnh một người đàn ông tội nghiệp khi bị chĩa họng súng vào đầu", Parker chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Channel Seven. "Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy cảnh tượng đe dọa rõ ràng như vậy. Khẩu súng được dí vào đầu nạn nhân đứng dựa vào cửa kính".
Không lâu sau, thiện xạ thuộc lực lượng cảnh sát nhận ra trụ sở Channel Seven là vị trí thuận lợi, và bắt đầu di chuyển đến đó. Phòng tin tức của hãng bị chuyển đi để phục vụ cho nhiệm vụ quan sát. Parker và những chiếc máy quay của anh cũng được điều động.
"Tôi biết chúng tôi đang có thứ gì đó ấn tượng trong ống kính máy quay. Thiện xạ nói: 'Tôi có thể ở đây và bao quát chúng không?' Sau đó, chúng tôi cung cấp cho họ thông tin về những gì nhìn thấy đằng sau cửa sổ quán Lindt", Parker kể.
Channel Seven lúc đầu phát sóng trực tiếp cảnh bắt cóc con tin, nhưng sau buộc phải cắt đi theo yêu cầu cảnh sát. Những hình ảnh này sau đó được giao cho cảnh sát. Parker được yêu cầu quay những hình ảnh rõ nét.
"Chúng tôi mặc áo chống đạn vào và đặt lại camera theo những gì cảnh sát cần. Cửa sổ mà cảnh sát gọi là "cửa sổ số 4", là nơi lá cờ đen được giăng lên, cũng là vị trí mà phần tử khủng bố di chuyển tới đó và lôi con tin theo làm lá chắn", Parker cho biết. "Thật kinh khủng. Trong 20 năm làm nghề, đây là lần hiếm hoi tôi bắt gặp một cảnh quay lộn xộn như vậy. Bạn chẳng thể làm gì được".
Theo Parker, khoảng 5 hay 6 tiếng, anh và thiện xạ hầu như chẳng nói gì với nhau bởi quá bận rộn. Cả hai đều cầu nguyện cho các nạn nhân thoát ra được bên ngoài. Chiều muộn ngày 15/12, khi một nhóm con tin bắt đầu chạy ra ngoài, Parker và xạ thủ cùng đập tay vào nhau để chúc mừng. Trời bắt đầu tối, đèn trong quán cà phê bị tắt khiến tầm nhìn xấu đi. Hành động của Monis bắt đầu thất thường hơn. Monis bị kích động, xô đẩy con tin, rồi dùng họ làm tấm lá chắn.
Khoảng 2h sáng 16/12, một tiếng súng vang lên, cảnh sát nhanh chóng hành động.
"Chúng tôi nghe thấy một tiếng súng, xạ thủ đứng cạnh tôi xác nhận 'con tin bị hạ gục, cửa sổ số 2'. Sáu giây sau, chúng tôi trông thấy lực lượng đặc nhiệm xông vào. Âm thanh thật khủng khiếp, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế trước đó", Parker nhớ lại.
Parker cho hay "vẻ thống khổ" trên khuôn mặt nạn nhân sẽ còn mãi trong anh. Thảm kịch này sẽ không làm lu mờ tình yêu của anh với thành phố Sydney, Parker nói.
"Tôi yêu Sydney, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi không nghĩ ai đó sẽ để cho kẻ mất trí mà tôi nhìn thấy qua ống kính máy quay làm hại cuộc sống của chúng tôi. Sydney là một thành phố xinh đẹp", Parker tâm sự. "Với tôi, Australia là đất nước tốt nhất thế giới và sẽ luôn là vậy".
Bình Minh (theo SMH)