Ngày 28/7, MoMo công bố hợp tác với beGroup - đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe "be". Theo đó, người dùng các dịch vụ của "be" có thể liên kết với MoMo để tiến hành thanh toán, bên cạnh hình thức phi tiền mặt sẵn có là thẻ tín dụng.
Tương tự, trong tháng 7, các hệ sinh thái khác cũng ghi nhận nhiều cú bắt tay. Cách đây 2 tuần, ví SmartPay đưa ra dịch vụ gửi tiết kiệm trực tuyến cho người dùng. Thực tế, đây là cuộc hợp tác với Bản Việt, bởi các gói tiết kiệm mà người dùng được giới thiệu và tiếp cận trên ứng dụng ví được cung cấp bởi ngân hàng này. Với dịch vụ gửi tiết kiệm mới, SmartPay càng tự tin đặt tham vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới.
"Mục tiêu của chúng tôi là sớm đạt 4 triệu người dùng và một triệu điểm chấp nhận thanh toán", ông Lù Duy Nguyên, Giám đốc sản phẩm của SmartPay tuyên bố. SmartPay là một ví khá non trẻ, chỉ mới "tham chiến" thị trường từ tháng 5/2019 và hiện có 1,7 triệu người dùng.
Với AirPay, ví này được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chỉ mới hôm 3/7/2020. AirPay là một phần của hệ sinh thái gồm Garena, Ocha, Foody, NowFood và Shopee.
Tương tự "chiêu" mà nhiều ví điện tử khác sử dụng, AirPay tặng các gói quà tặng cho người dùng mới trị giá hàng trăm nghìn đồng và tung các ưu đãi hoàn tiền đến 50% cho người dùng hiện hữu. Trong khi đó, để hỗ trợ AirPay, các thương hiệu trong cùng hệ sinh thái cũng tạo ưu đãi cho khách hàng lựa chọn thanh toán không tiền mặt qua ví này.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho rằng, năm 2020 mang lại nhiều thay đổi đáng kể, nhất là sự tăng tốc của thanh toán số. "Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi nhận thấy người dùng dần tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán số", ông nói xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam vào quý I/2020, Shopee xác nhận có sự tăng trưởng nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt, với các hình thức như thẻ tín dụng, chuyển khoản và ví điện tử AirPay.
Thống kê hành vi giao dịch trên nền tảng, Hà Nội, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có tỷ lệ người dùng thanh toán không tiền mặt cao nhất. 80% giao dịch không tiền mặt được thực hiện bởi người dùng từ 18 đến 34 tuổi. Tuy nhiên, nhóm khách hàng lớn tuổi cũng bắt đầu hưởng ứng, với số lượng giao dịch qua ví AirPay của người dùng trên 50 tuổi tăng 15%.
Giao dịch không tiền mặt ở các ngân hàng cũng sôi động. VPBanh cho biết, dịch vụ ngân hàng điện tử của nhà băng nay đang được khách ưa chuộng. Số lượng giao dịch trung bình mỗi ngày của dịch vụ này trên 200.000, với giá trị giao dịch trung bình gần 3.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Không chỉ thanh toán, các giao dịch tài chính khác cũng có tốc độ số hóa cao. Ngân hàng Bản Việt cho biết, số lượng và giá trị giao dịch của dịch vụ tiết kiệm trực tuyến trong 2 quý đầu năm 2020 tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Trong Covid-19 vừa rồi, các ngân hàng đã có nhiều hợp tác với Fintech để thúc đẩy thị trường, không chỉ ở mảng thanh toán mà còn ở việc số hóa các giao dịch tài chính phi tiền mặt khác", ông Đỗ Thành Nam, Giám đốc Ngân hàng điện tử của Ngân Hàng Bản Việt, nhận định về xu hướng thị trường.
Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), khoảng 11% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có sử dụng ví điện tử. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á - nơi có tỷ lệ thâm nhập của ví điện tử vượt xa các nền kinh tế tiên tiến.
BCG cho rằng, Đông Nam Á sở hữu nhiều đặc điểm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thanh toán kỹ thuật số. Các yếu tố chính như thâm nhập kỹ thuật số cao, tiếp cận rộng rãi giữa người tiêu dùng và ngân hàng thương mại, đầu tư của các công ty khởi nghiệp và nền tảng kỹ thuật số, sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ.
Nhưng khu vực này vẫn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Ví điện tử được sử dụng chủ yếu bởi người dân thành thị, dùng để gọi xe và đặt đồ ăn, phụ thuộc nhiều vào giảm giá và hoàn tiền để thu hút cũng như giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, thanh toán ví điện tử cho cửa hàng tạp hóa, hóa đơn và thương mại điện tử đang có động lực tăng trưởng, chiếm 33% tổng giá trị thanh toán của ví điện tử. BCG dự báo con số này sẽ tiệm cận 55% vào năm 2025. Dù đánh giá này là chung cho khu vực, nhưng có thể thấy, những gì đang diễn ra tại thị trường Việt Nam cũng đang có đặc điểm tương tự.
Viễn Thông