Yêu cầu này vừa được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi các địa phương. Việc này nhằm đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho trái dừa tươi và sầu riêng đông lạnh vào thị trường tỷ dân.
Theo đó, Cục đề nghị các địa phương hướng dẫn người trồng có nhu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu.
Các cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh cần được kiểm tra, đánh giá các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói và truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, các cơ sở đóng gói sầu riêng phải đáp ứng yêu cầu về năng lực bảo quản kho cấp đông, đạt -35 độ C trong thời gian 1 giờ (tấn/ngày) và kho lạnh -18 độ C.
Vùng trồng dừa tươi phải áp dụng biện pháp quản lý 16 sinh vật gây hại mà Trung Quốc yêu cầu, như bọ dừa, rầy phấn trắng, rệp sáp, mọt cọ đỏ...
Trước đó, quả sầu riêng tươi được xuất chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu loại quả này năm ngoái tăng kỷ lục, gần 2,2 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng đông lạnh được cấp phép sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng sầu riêng thêm 30% mỗi năm.
Tương tự, trái dừa nếu được xuất chính ngạch, sẽ mang về 500-600 triệu USD, giúp kim ngạch loại quả này tăng đột biến.
Thi Hà