Người phụ nữ 40 tuổi bị đau bụng âm ỉ suốt hơn 2 năm nay nhưng không nghĩ là bệnh thận. 6 tháng gần đây, bụng chị ngày càng to, cảm giác nặng tức như có thai kèm theo tình trạng mệt mỏi, ăn kém, sụt cân nên mới đến bệnh viện khám. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân mang một khối u thận kích thước lớn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thận. Mong muốn giữ lại thận nên người phụ nữ từ chối điều trị.
Chị Dịu sau đó đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám, khối u đã phát triển rất rộng, kích thước 30x25 cm và chiếm hết nửa bụng bên phải. Kết quả CT ghi nhận u xuất phát từ cực dưới thận phải kéo dài đến tận bàng quang. Rất may đây là u lành tính, song u lớn đã vượt qua đường giữa bụng chèn ép vào các mạch máu lớn trong ổ bụng nên cần điều trị ngay. Ngoài ra, thận trái của bệnh nhân cũng có một khối u tương tự với kích thước khoảng 3 cm.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết đa số trường hợp u thận lớn đều được phẫu thuật cắt bỏ bướu cùng với thận, hiếm khi bệnh nhân giữ được thận. Tuy nhiên, bệnh nhân này còn bị khối u thận bên trái, nếu cắt hết thận bên phải thì về sau có nguy cơ cao chuyển thành suy thận mạn tính. Do vậy các bác sĩ cố gắng giữ lại thận cho người bệnh, đây được xem là lựa chọn sống còn.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp ghép thận tự thân. Ê kip phẫu thuật mất hơn 90 phút để bóc tách bộc lộ và bảo tồn cuống mạch máu của thận. Sau khi đó thêm một giờ bóc tách khối u ra khỏi các cơ quan dính xung quanh. Khối u cùng với thận được cắt đem ra ngoài cơ thể. Phẫu thuật viên nhanh chóng cắt khối u ra khỏi thận, phần thận còn lại được rửa sạch, ướp lạnh, sau đó ghép ngược trở lại vào hố chậu bên phải của người bệnh.
Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Khối u được bóc ra có trọng lượng 4,1 kg. Kết quả siêu âm mạch máu sau mổ cho thấy thận ghép vào đã hoạt động tốt, các mối nối mạch máu hồi phục nhanh. Riêng khối bướu thận trái của bệnh nhân kích thước nhỏ nên chưa có chỉ định phẫu thuật. Đến nay sức khỏe người bệnh đã ổn định, sắp được xuất viện.
Bác sĩ Đức giải thích phương pháp ghép thận tự thân (lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính họ) được áp dụng trong các trường hợp bướu thận lành tính kích thước lớn mà không thể áp dụng các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra phương pháp này còn được chỉ định trong các bệnh lý hẹp động mạch thận, teo hẹp niệu quản phức tạp, chấn thương cuống mạch máu thận. Theo đó, quả thận bị bệnh sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh để phẫu thuật viên sửa lại các bệnh lý và khiếm khuyết. Thận sau khi được xử lý sẽ ghép ngược trở lại vào cơ thể và nối các cuống mạch máu lại với nhau.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguyên nhân chính xác gây ra u thận lành tính (AML). Một số chuyên gia cho rằng bệnh này có liên quan đến rối loạn gene, thường xảy ra ở phụ nữ từ 40 đến 45 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm từ 1 đến 2% dân số, trong đó phụ nữ nhiều gấp 4 lần nam giới. Bướu còn nhỏ hầu như không gây triệu chứng gì đặc hiệu. Đến khi u lớn thường gây đau tức vùng bụng kèm theo mệt mỏi, sụt cân...
Bác sĩ Đức khuyên mọi người nên nâng cao ý thức tầm soát siêu âm bụng định kỳ để kịp thời phát hiện u thận sớm nếu có. Tránh để u phát triển đến kích thước lớn như trên sẽ khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp hơn nhiều.
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào kích thước của khối u. Nếu u nhỏ hơn 4 cm chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm bụng mỗi 6 tháng. U lớn từ 4 đến 6 cm có thể điều trị bằng can thiệp thuyên tắc mạch máu nuôi bướu để nó teo nhỏ lại. Bác sĩ khuyến cáo các trường hợp u lớn trên 6 cm cần điều trị sớm vì nguy cơ vỡ bướu rất cao, có thể gây xuất huyết bên trong ổ bụng nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian qua Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM từng tiếp nhận một số bệnh nhân nguy kịch vì vỡ bướu thận dẫn đến xuất huyết nội, tụt huyết áp.