Những ngày giữa tháng 3, các tỉnh miền Tây đang phải gồng mình chống chọi với đợt cao điểm nắng nóng và hạn mặn khốc liệt. Mặn xâm nhập hệ thống sông rạch tại Bến Tre ảnh hưởng cuộc sống hàng chục nghìn hộ dân. Còn tại Cà Mau, tình trạng khô hạn được cho là nguyên nhân chính gây ra 340 vụ sụt lún, sạt lở đất tại các tuyến kênh. Trước tình hình đó, Bến Tre và Cà Mau đề xuất dẫn nước từ các sông Hậu, Sài Gòn, Đồng Nai về địa phương hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước trong mùa khô.
Là người đề xuất dẫn nước từ sông Sài Gòn, Đồng Nai về Bến Tre đối phó hạn mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nói thế giới từng có nhiều dự án dẫn nước ngọt dài hàng nghìn km. Đây cũng không phải lần đầu địa phương đề xuất dẫn nước ngọt từ nơi khác về chống hạn mặn. Trước đó, tỉnh tính phương án đưa nước thô từ thượng nguồn sông Tiền về các nhà máy xử lý, cung cấp cho người dân.
"Tuy nhiên, hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp, xâm nhập sâu, nên phương án lấy nguồn nước từ sông Tiền về lâu dài khó bền vững", ông Tam nói.
Theo lãnh đạo Bến Tre, nguồn nước sông Tiền cũng lệ thuộc và dòng chính Mekong đang bị chi phối bởi một số quốc gia thượng nguồn. Trong khi đó, hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai ở trong nước, ít bị ảnh hưởng. Nguồn nước từ các sông này rất dồi dào, chất lượng, nằm ở địa hình cao hơn nên dễ dàng khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn để nước chảy tự nhiên về miền Tây.
"Có thể dẫn nước từ sông Đồng Nai, Sài Gòn về Long An, sau đó qua Tiền Giang rồi về Bến Tre, nếu không đủ kinh phí có thể thi công hệ thống dẫn nước phục vụ sinh hoạt trước, sau đó mới tính đến nước cho sản xuất", ông Tam lý giải.
Tuy vậy theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, phương án nói trên rất khó khả thi vì vào mùa khô hạn, các sông đều ít nước chứ không riêng gì một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chưa kể sông Sài Gòn, Đồng Nai đang bị ô nhiễm, nếu đưa về miền Tây cần tính toán vấn đề môi trường.
"Hạn hán đã có từ khi hình thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dân số ngày càng đông, sản xuất lớn, cộng thêm biến đổi khí hậu nên khô hạn gay gắt hơn", ông Tuấn nói. Theo ông, gần đây nông dân đã biết cách thích ứng bằng cách dịch chuyển mùa vụ hoặc chuyển đổi sản xuất trong mùa khô, sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước tại chỗ.
Ngoài ra ngành chuyên môn cần công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn, mặn qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội, phương tiện thông tin để người dân từng tiểu vùng kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất, giảm thấp nhất thiệt hại.
Nhìn nhận đề xuất dẫn nước từ sông Hậu về vùng khô hạn Cà Mau là phương án mang tính lâu dài, song ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau, e ngại chi phí cao khi thực hiện. Cách đây 5-7 năm, địa phương khi có ý định đã tính toán việc dẫn một m3 nước từ sông Hậu phục vụ sinh hoạt tốn khoảng 50.000 đồng.
Vì vậy theo chuyên gia, dẫn nước từ các sông ở xa hàng trăm km về nơi khô hạn cần có sự vào cuộc của Bộ Xây dựng và các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Trước mắt Cà Mau đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hoàn chỉnh âu thuyền Tắc Thủ và một số cống để điều tiết, lấy nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp cấp cho vùng ngọt.
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cho rằng nước ở các tỉnh miền Tây không có ranh giới hành chính mà là vấn đề cả vùng, kể cả liên hệ tới hệ thống sông Mekong. Cho nên giải pháp chống khô hạn phải có được sự cân bằng tổng thể, trong đó cần tính toán để phân vùng cụ thể nhằm đưa ra mức độ ứng phó tương xứng. Ví dụ ở vùng mặn, địa phương phải ưu tiên nước sinh hoạt, có thể chuyển đổi sang kinh tế biển hay nước lợ cho phù hợp, chứ không nhất thiết áp dụng kinh tế sinh thái nước ngọt.
"Đề xuất dẫn nước ngọt từ các địa phương khác về miền Tây chống hạn mặn phải đặt trong sự xem xét về quy hoạch, tình hình thực tiễn, bài toán tổng thể và ứng dụng công nghệ giúp hài hòa về lợi ích", ông Hiệp nói, cho rằng khi đầu tư công trình lớn, có tác động cần được nghiên cứu thấu đáo để đảm bảo sự cân bằng. Bởi kinh nghiệm từ các công trình thủy lợi lớn cho thấy cần phải thận trọng và cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành, diện tích khoảng 40.000 km2 (gần gấp đôi Đồng bằng sông Hồng), dân số hơn 17,4 triệu người. Nơi đây chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thuỷ sản, và đóng góp 17% GDP cả nước. Nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo của nền kinh tế nên các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn luôn được chính quyền địa phương, bộ ngành quan tâm.
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
An Minh - Hoàng Nam