Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk chia sẻ thông tin trên tại Toạ đàm 'Giải quyết nút thắt lưu thông hàng hóa nông sản thời dịch' do VnExpress tổ chức ngày 10/8. Toạ đàm nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 và Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo.
Thực tế, việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn.
Chia sẻ rõ hơn về thực trạng ngành hàng nông sản tỉnh Đắk Lắk, các bước giải quyết đứt gẫy chuỗi cung ứng trong thời kỳ dịch bệnh, cũng như quá trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, ông Dương cho biết, hoa quả và trái cây ở Tây Nguyên như cao su, cà phê, hồ tiêu... vốn ít bị ảnh hưởng bởi thời gian thu hoạch, nhưng sẽ ảnh hưởng lớn nếu doanh nghiệp bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, tồn kho.
Đơn cử, hiện chuẩn bị vào vụ quả bơ và sầu riêng, thời gian thu hoạch khoảng hai tháng, trong đó, sầu riêng thu hoạch trên 100.000 tấn sản phẩm, bơ 84.000 tấn. Trước dịch bệnh, thời gian đầu do không đồng bộ, nhất quán nên khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, cán bộ đồng hành cùng các địa phương, nên hiện tại các khâu vận chuyển không bị ách tắc nữa, mọi việc diễn ra đều có chỉ đạo cụ thể, rõ ràng.
Về việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, ông Dương khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa nông sản lên sàn thương mại và quốc tế, đồng thời tích cực kết nối thông tin với các sở công thương để nắm bắt kịp thời thông tin, chủ động tránh ùn tắc, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Dương, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đã chủ động từ trước khi dịch bệnh xảy ra bằng cách hợp tác với tập đoàn bán lẻ số một thế giới - Amazon. Trong xu hướng hội nhập và công nghệ 4.0 như hiện nay, thương mại điện tử phải đặt lên hàng đầu, giao dịch qua các sàn này cũng ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, từng địa phương cũng cần lên kế hạch xây dựng sàn thương mại điện tử để phục vụ cho xuất khẩu. Trong thời gian sắp tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện kế hạch này.
Nhận định về tiềm năng của thị trường thương mại điện tử, ông Trần Chí Dũng - Phó Viện trưởng - Viện Quản trị Logistics Toàn Cầu, Trưởng Ban Công nghệ - Đổi mới sáng tạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng tin rằng đây là giải pháp chuẩn về mặt chiến lược và cần phải làm nhanh hơn. Vì trên thực tế, sàn thương mại điện tử đã xuất hiện từ lâu và rất thành công.
"Việt Nam có đầy đủ điều kiện để mua bán và tham gia và sàn giao dịch toàn cầu. Chúng ta có vị trí địa lý kinh tế tốt, logistic cũng không thể tốt hơn. Chúng ta vừa có cảng, sân bay, đất liền, lại nằm ở vị trí trung tâm... những điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho mua bán thương mại điện tử, nhất là xuyên biên giới", ông Dũng nhận định.
Ngoài ra, ông Dương thông tin thêm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã đồng loạt hỗ trợ địa phương đưa sản phẩm nông sản của mình lên các sàn thương mại điện tử trong nước, để thúc đẩy được vấn đề bán hàng, nhưng thực trạng không phải doanh nghiệp nào cũng tham gia được ngay. Đơn cử, các doanh nghiệp cần cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, thông tin nguồn gốc hàng hóa. Nhìn chung, thông tin phải minh bạch thì quá trình lên sàn thương mại điện tử sẽ thuận lợi hơn.
Cái khó nữa là để doanh nghiệp tham gia được vào sàn, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ. Ông Dương đưa ví dụ về mặt hàng quả bơ khi lên sàn thương mại điện tử nhưng gặp khó khăn vì quá nhiều chủng loại, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Do đó để khách hàng tìm đến hợp tác ký kết thu mua vận chuyển còn nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, ông Dương cho rằng cần theo định hướng của thị trường, từ đó có định hướng sản xuất đồng loạt. Hay như quả vải thiều của Bắc Giang lên sàn tốt hơn vì làm chuẩn theo VietGAP.
Chia sẻ thêm về giải pháp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhất là sàn quốc tế, ông Dũng cho rằng sự can thiệp của nhà nước là rất quan trọng. Đầu tiên là những chính sách đối ngoại, thoả thuận song phương. Tiếp đó là kỹ thuật, từ khâu vận chuyển đầu nguồn, giao hàng, đến tay người tiêu dùng... "Để làm trên diện rộng đồng bộ các giải pháp này thì cần sự đồng hành của cơ quan nhà nước, mà ngân sách thôi chưa phải vấn đề, vấn đề là chính sách, và sự giám sát điều hành chính sách đấy", ông Dũng khẳng định.
Nguyễn Phượng