-
14h40
6 nhiệm vụ của ngành lao động
Phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội kết thúc sau 30 phút hỏi đáp đầu giờ chiều. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá 99 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng, trong đó 35 người trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu tranh luận cho thấy sự quan tâm đối với lĩnh vực lao động việc làm. Ông đề nghị những đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian chất vấn thì gửi câu hỏi để nhận trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn ngày 6/6. Ảnh: Media Quốc hội
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm. Bộ trưởng có nhiều kinh nghiệm trong trả lời chất vấn, nắm chắc tình hình, trả lời đúng trọng tâm và đề xuất nhiều giải pháp cũng như cam kết với Quốc hội về việc hoàn thiện chính sách. Song ông cũng thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực lao động, việc làm còn không ít tồn tại, hạn chế và yếu kém như trong báo cáo và các đại biểu Quốc hội nêu ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các trưởng ngành liên quan tiếp thu tối đa góp ý của đại biểu, quyết liệt thực hiện 6 giải pháp: triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, nhà nước về giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động; trong năm nay giải quyết dứt điểm quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc theo nguyên tắc đóng - hưởng; tái cơ cấu lại các ngành thâm dụng lao động; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.
Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháo gỡ vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH; rà soát Luật việc làm, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng thực tiễn.
-
14h35
Đào tạo nghề chưa xứng tiềm năng
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn chỉ thị 21 đặt mục tiêu 50-55% học sinh trung học vào trường nghề. Đây là tỷ lệ cao và theo ông Nghĩa để đạt được sẽ rất khó khăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tỷ lệ phấn đấu đến 2025 học sinh phổ thông phân luồng vào học nghề đạt 40-45%; năm 2030 đạt 50-55%. "Đây là chỉ tiêu rất cao và rất khó nhưng vô cùng quan trọng", ông Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại nghị trường. Ảnh: Phạm Thắng
Dù việc phân luồng học sinh đi học nghề đã làm từ lâu nhưng hiện nay cả nước mới đạt 26%, "chưa xứng với tiềm năng". Học sinh vào học nghề nhằm cân đối đào tạo thợ với thầy, gắn với thị trường lao động và đạt mục tiêu liên thông học tập suốt đời cho người lao động.
Còn việc phân luồng, Bộ trưởng Dung cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội. Trong đó, Bộ Giáo dục có trách nhiệm phân luồng, còn Bộ Lao động chuẩn bị đầu ra, tiếp nhận học sinh để khi vào học nghề thì đào tạo được ngay. Các cơ sở đào tạo nghề hiện nay có khả năng đảm đương được 3 triệu người.
Theo ông Dung, trong các giải pháp có đặt ra mục tiêu học sinh lớp 9 có thể vào ngay trường nghề, sau đó học liên thông, khi đó mới hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra.
-
14h30
Số tiền còn lại của gói hỗ trợ thuê nhà đã hoàn trả ngân sách
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Tiến về tiền hỗ trợ thuê nhà không sử dụng hết, ông Dung nói trong chương trình nghị quyết 43 về phục hồi lao động, việc làm, Quốc hội cho phép sử dụng tối đa 6.800 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Sau đó, Chính phủ đưa ra tiêu chí phân bổ cụ thể.
"Bộ đã bám sát tiêu chí này và sử dụng hết 4.500 tỷ đồng và những người cần hỗ trợ đều đã nhận được tiền. Số tiền còn lại hoàn trả ngân sách, dùng vào chính sách hỗ trợ người lao động khác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong
-
14h20
Phó thủ tướng: Phải đột phá về nhân sự
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói thời gian tới cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những điều này liên quan đến một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nhân lực.
"Năng suất lao động của Việt Nam chưa có bứt phá. Tôi đề nghị các cơ quan tập trung đổi mới sáng tạo, nhất là nguồn nhân lực từ giáo dục phổ thông, đại học, cao học", ông Hà nói.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội, chiều 6/6. Ảnh: Media Quốc hội
Phó thủ tướng cho rằng cần tập trung vào trí tuệ nhân tạo, Blockchan, sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử để tạo ra công ăn việc làm mới. Bên cạnh đó, phải đột phá về nguồn nhân lực. "Nếu thay đổi được vấn đề này, đưa đất nước phát triển theo mô hình mà thế giới đang hướng tới thì Việt Nam có thể đi sau nhưng đón đầu, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng", ông Hà nói.
-
14h15
Tiếp tục đàm phán để lao động xuất khẩu không phải đóng BHXH hai lần
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về BHXH với người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài mà Nghị quyết 28 giao Chính phủ thực hiện? "Việc đóng BHXH tại các nước chưa ký hiệp định ra sao và Bộ trưởng suy nghĩ gì khi lao động đi làm việc ngoài nước phải đóng BHXH hai lần?", ông Hải Anh chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải đây là vấn đề liên kết và có thỏa thuận giữa các nước. Với Nhật Bản, Bộ đã đàm phán tới vòng thứ năm nhưng chưa có kết quả. Riêng Hàn Quốc đã thành công. Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc hay người Hàn sang Việt Nam làm việc chỉ phải đóng BHXH một lần và được hoàn trả quyền lợi khi về nước. Tuy nhiên, lao động thường chỉ tham gia BHYT và tai nạn rủi ro thương tật chứ không phải bảo hiểm thất nghiệp hay tử tuất.
"Sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội sẽ có những thay đổi trong vấn đề này", ông Dung nói.
-
14h10
Không thể nói "không có cơ sở xử lý trốn đóng BHXH"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (hội luật gia TP HCM) tranh luận với Bộ trưởng về việc chậm xử lý nợ đóng BHXH. Ông Nghĩa nói tình trạng này ngày càng trầm trọng với số nợ hơn 14.000 tỷ đồng. Ông "hết sức ngạc nhiên về con số này" và đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan điều tra, tòa án cùng vào cuộc xử lý dứt điểm.
Lấy kinh nghiệm công tác pháp luật nhiều năm, ông khẳng định không thể nói không có cơ sở pháp lý xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH vì tiền này đã trừ vào lương của người lao động. Ngược lại, theo ông Nghĩa, hoàn toàn có cơ sở giải quyết và phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát khi để tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục năm nay mà không làm gì được.
"Hệ thống pháp luật hiện nay không thể nào bất lực, không thể xử lý tình trạng này", ông Nghĩa khẳng định.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận tại phiên chất vấn đầu giờ chiều 6/6. Ảnh: Media Quốc hội
Đồng tình phần tranh luận của đại biểu Nghĩa, bộ trưởng Dung nói tháng trước đã tham mưu cho Thủ tướng có văn bản phân công một cơ quan chức năng làm đầu mối chủ trì để xử lý vi phạm một cách căn cơ, bài bản.
-
14h05
Đào tạo nghề phải cân đối giữa thầy và thợ
Tại phiên chất vấn sáng, đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) cho rằng thời gian qua, số lượng đào tạo chưa tỷ lệ thuận với chất lượng lao động, tỷ lệ mất việc làm, thất nghiệp trong thanh niên rất đáng quan tâm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp chiến lược, định hướng đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên miền núi, dân tộc thiểu số.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông). Ảnh: Media Quốc hội
Trả lời, Bộ trưởng Dung cho biết thời gian tới phải thực sự đầu tư đổi mới và phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, người có kỹ năng nghề; đào tạo thợ với thầy cân đối trong quy mô đào tạo chung.
Bộ trưởng cho rằng cần chuyển biến nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa học nghề; rà soát bổ sung hệ thống chính sách quy định về giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động theo hướng liên thông; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.
Theo ông Dung, Bộ sẽ rà soát việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo không khiên cưỡng, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp; nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.