![]() |
Ông Horst Vigener (bìa phải) - cựu giám đốc của Siemens - trao đổi với công tố viên tại phiên tòa diễn ra ở Frankfurt ngày 13/3. Ảnh: Reuters. |
Ông cho biết có một tài khoản ngân hàng tại Salzburg (Áo) được rót vào 75 triệu USD mỗi năm chỉ để phục vụ việc đưa hối lộ.
Trong lệnh bắt ông Siekaczek, các công tố viên mô tả các vụ Siemens đã dùng tiền để thắng các hợp đồng kinh doanh tại Ai Cập, Cameroon, Hi Lạp, Indonesia, Kuwait, Saudi Arabia, Kazakhstan và Việt Nam từ năm 2002-2004 như thế nào.
Văn bản này, đã được tờ Wall Street Journal tham khảo, cũng cho biết số tiền hối lộ thường được “vận chuyển” qua ít nhất ba “lớp bảo vệ” là những tài khoản bí mật và những công ty danh nghĩa trước khi được giao tận tay những người nhận hối lộ để họ giúp đỡ Siemens.
Đầu năm 2004, một giám đốc cấp cao của Siemens, ông Michael Kutschenreuter, nhận được cú điện thoại từ một doanh nhân Saudi Arabia đại diện cho Công ty Beit Al Etisallat. Công ty tư vấn từng là đối tác của Siemens này yêu cầu được lại quả 910 triệu USD, nếu không họ sẽ chuyển các tài liệu chi tiết về các khoản hối lộ mà Siemens đã chi tại Saudi Arabia để trúng được các hợp đồng của Tập đoàn Saudi Telecom.
Kutschenreuter thông báo chuyện này với các giám đốc cấp cao khác và thống nhất chi 50 triệu USD cho Beit Al Etisallat vào đầu năm 2005 dưới hình thức “bồi thường” cho khoản thiệt hại 910 triệu USD sau khi Siemens kết thúc hợp đồng tại vương quốc này vào năm 2000.
Tháng 3/2006, hai cựu giám đốc của Power Generation, một trong những chi nhánh lớn nhất của Tập đoàn Siemens có trụ sở tại Munich, là Horst Vigener và Andreas Kley bị buộc tội đưa hối lộ cho hai giám đốc của Tập đoàn năng lượng Enel (Italy).
Các công tố viên nghi ngờ Vigener và Kley đã chi tổng cộng 6 triệu euro từ năm 1999 đến tháng 4/2002 để giành quyền cung cấp thiết bị xây dựng nhà máy điện cho Italy. Hai nhân vật này có một qũy đen 12 triệu franc Thụy Sĩ (gần 10 triệu USD) và đã chuyển số tiền hối lộ thông qua tài khoản của nhiều công ty danh nghĩa và tổ chức khác nhau tại Liechtenstein, Dubai và Abu Dhabi.
Khoản tiền hối lộ này đã giúp Power Generation thắng được các hợp đồng cung cấp động cơ tuôcbin khí, trang thiết bị hỗ trợ và chi phí bảo dưỡng trị giá tổng cộng trên 450 triệu euro.
Mã hóa hối lộ
Bào chữa trước phiên tòa ngày 13/3 vừa qua tại tòa án thành phố Darmstadt, tiểu bang Hessen (Đức), luật sư Wolf Schiller của ông Horst Vigener lập luận rằng ông Vigener “nghĩ những hành động như thế ai làm việc ở Siemens cũng biết cả”. Andreas Kley thì khai ông chấp nhận chi tiền vì biết rằng nếu không làm như vậy Siemens có thể mất những hợp đồng từ Enel.
Kley cho biết nếu không làm như vậy, Siemens không những không có được hợp đồng này mà còn khó có thể thâm nhập thị trường Italy. Vigener và Kley cũng bác bỏ cáo buộc hai ông đưa hối lộ với lý do những người nhận tiền không phải là quan chức dù Enel là một tập đoàn Nhà nước. Theo Luật của Đức, chỉ có những khoản hối lộ đưa cho các quan chức nhà nước tại những quốc gia khác mới vi phạm pháp luật.
Trong một cuộc điều tra, Giám đốc cấp cao của Siemens Michael Kutschenreuter khai, ông đã được học một mật mã mà ông cho rằng được sử dụng rất rộng rãi tại Siemens để “mã hóa” những khoản tiền hối lộ. Mật mã này xuất phát từ cụm “make profit” (tạo lợi nhuận) được đánh số thứ tự là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 cho 10 ký tự trong cụm “make profit” (M=1, A=2,..., P=5,..., T=10).
Vì thế, khi có một ghi chú “xử lý hồ sơ này theo dạng APP” có nghĩa rằng mức hối lộ được cho phép là 2,55% doanh số bán. Tuy nhiên, người phát ngôn của Siemens cho biết ông chưa bao giờ nghe nói đến hệ thống mã hóa “make profit” này.
(Theo Tuổi Trẻ, Reuters, AP)