Các giáo viên sẽ tham gia khoá bồi dưỡng bốn tuần tại thành phố Sydney hoặc Melbourne, Australia, bằng ngân sách nhà nước, theo thông báo ngày 26/3 trên website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Thầy cô sẽ được bồi dưỡng phương pháp dạy theo hướng phát huy năng lực, giúp học sinh có khả năng dùng tiếng Anh ở cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; tìm hiểu các phương pháp kiểm tra, đánh giá; nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác học liệu, phần mềm để dạy tiếng Anh hiệu quả hơn. Giáo viên cũng sẽ thực hành giảng dạy và dự giờ tại các trường phổ thông tại Australia.
"Nếu kế hoạch được triển khai như đề ra, đây là lần đầu tiên giáo viên tiếng Anh của tỉnh được đi học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài", Sở cho biết.
Việc đưa giáo viên tiếng Anh đi nước ngoài đào tạo là một phần của dự án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống Giáo dục-Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025", nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông.
Ngoài nội dung trên, Sở đánh giá trình độ IELTS của 100 giáo viên, bồi dưỡng phương pháp dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, thuê 22 giáo viên nước ngoài để dạy tiếng Anh trong 6 tháng tại 9 trường THCS, 11 trường THPT.
Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có 167 giáo viên tiếng Anh phổ thông có chứng chỉ IELTS, chiếm 15,9% tổng số giáo viên tiếng Anh.
Kế hoạch của Vĩnh Phúc tương tự cách làm của Hà Nội. Năm 2022, Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng theo chuẩn IELTS cho hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh phổ thông. Hơn 200 người đạt 6.5 IELTS trở lên được cử đi học tại Đại học Western Sydney, Australia, trong hai tuần cuối năm 2022. Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025, một nửa giáo viên phổ thông các cấp học phải đạt kỹ năng nghe, nói tiếng Anh từ 6.5 trở lên theo chuẩn IELTS; 50% giáo viên Toán và Khoa học có thể sử dụng tiếng Anh để giảng dạy.
Một địa phương khác cũng bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế là Nghệ An. Năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này yêu cầu tất cả giáo viên tiếng Anh tham gia khảo sát TOEIC (bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế), trừ người có chứng chỉ quốc tế tương đương. Từ kết quả này, Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng và thi để giáo viên lấy chứng chỉ quốc tế.
Thanh Hằng