Số tiền này tôi gửi về quê cho bố mẹ, gọi là phụ chi phí sinh hoạt. Đáng nhẽ, bố mẹ phải thấy thương con, vì với năm triệu đồng ở thủ đô, hầu như tôi không dám đi chơi hay ăn ngoài hàng quán. Tôi cảm giác bố mẹ không hiểu cho tôi, cứ có việc gì ở nhà như đám cưới, đám hỏi, lễ lạt... lại đưa ra một con số, bắt tôi phải chi, nói đây là trách nhiệm làm con.
Bố mẹ tôi không thiếu tiền, có vài trăm triệu đồng gửi ở ngân hàng. Họ nhất quyết không chịu bỏ ra một đồng để chi khi có việc, phải gọi cho con mới thấy tự hào. Cũng vì sự tự hào đó mà cuộc sống của tôi ngày càng khốn khổ. Tôi chưa từng chi 500 nghìn đồng để mua một đôi giày hay bộ quần áo, hàng hầu hết đều mua giảm giá hoặc mua trên mạng miễn phí vận chuyển. Tết năm nay, tôi biếu bố 500 nghìn đồng để mua đôi giày mới. Đi một lúc trở về, mặt ông lại cau có: "Tao phải bỏ thêm 300 nghìn đồng nữa mới đủ tiền đó". Bố còn bảo: "Mẹ mày muốn may áo dài mới, thay cho cái áo năm ngoái để mặc tết, tính sao thì tính". Thậm chí, trong bữa ăn, họ còn ngồi tính lương của tôi và số tiền tôi nên đưa bao nhiêu. Đương nhiên, con số đó cao hơn số lương mà tôi vẫn gửi về hàng tháng.
Quả thực tôi rất mệt mỏi, dù cố gắng chi tiêu tằn tiện hết mức có thể để trụ lại thủ đô. Tưởng về nhà bố mẹ sẽ thông cảm nhưng sự đòi hỏi của họ chỉ khiến tôi đau đầu thêm. Tôi chưa từng nghĩ đưa lương cho bố mẹ là bổn phận hay sự báo hiếu, đó chỉ là sự tự nguyện của mỗi cá nhân. Giờ bố mẹ lại khẳng định điều ngược lại: "Đó là trách nhiệm của con cái". Tôi phải làm thế nào, có nên tiếp tục đưa lương cho ông bà để bản thân lại tiếp tục cuộc sống tằn tiện, khổ sở như thế không? Tôi nên làm gì để bố mẹ có thể hiểu hơn?
Quang Anh
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc