15h ngày 9/9, sáu tiếng sau khi cầu Phong Châu bị sập, anh Bùi Văn Đà, 34 tuổi, chủ doanh nghiệp vận tải ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, thông báo trên mạng xã hội sẽ điều hai đến ba ôtô đưa đón miễn phí học sinh ở huyện Lâm Thao đang theo học tại trường THPT Tam Nông.
Trường THPT Tam Nông có 1.001 học sinh, trong đó 430 em trú huyện Lâm Thao. Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông giúp học sinh Lâm Thao đến trường nhanh hơn. Sau vụ sập cầu, các em phải đi ngược lên thượng nguồn dọc đê sông Hồng, qua cầu Ngọc Tháp ở thị xã Phú Thọ rồi theo đường Hồ Chí Minh mới đến được lớp. Tổng quãng đường cả đi và về khoảng 60 km.
Nhận thấy học sinh phải di chuyển rất xa, nhất là trong thời điểm trời mưa tầm tã, ngập lụt nhiều nơi, tiềm ẩn nguy hiểm, anh Đà bàn với vợ sử dụng hai ôtô loại 16 và 45 chỗ đang chạy dịch vụ để chở các em đến trường miễn phí trong một tuần, chờ cơ quan chức năng xử lý và các gia đình tìm được phương án.
Ngoài đăng bài lên mạng xã hội, anh Đà còn liên hệ với giáo viên, phụ huynh quen biết nhờ chia sẻ thông tin trong các hội nhóm để mọi người biết. "Cũng làm bố mẹ, vợ chồng tôi thấu hiểu tâm trạng của phụ huynh khi con phải di chuyển quãng đường xa nên muốn góp một phần nhỏ công sức giúp đỡ", anh Đà nói.
Trong suốt một tuần qua, hai chiếc xe của anh Đà chạy ba lượt mỗi ngày, len lỏi trên những con đường làng để đưa đón hơn 100 học sinh đến trường. Xa nhất là xã Vĩnh Lại, cách trường đến 50 km, với 15 em chờ xe mỗi ngày. Tất cả chi phí do anh tự bỏ tiền túi chi trả.
Để tiết kiệm xăng dầu, sau khi đưa học sinh đến lớp, anh Đà và tài xế thường gửi xe gần cổng trường và tìm một góc nhỏ để nghỉ ngơi, kiên nhẫn chờ đón các em tan học. Đối với các lớp học buổi chiều, anh và tài xế sẽ ở lại huyện Tam Nông ăn cơm trưa, chờ đến cuối giờ chiều đón học sinh.
Em Nguyễn Phương Linh, 17 tuổi, học sinh lớp 11, trường THPT Tam Nông, cho hay trước đây thường lái xe máy điện từ nhà ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao qua cầu Phong Châu đến trường, mất 15 phút. Khi công trình gặp sự cố, em sẽ phải chạy xe đường vòng, dự kiến hơn 40 phút mới đến nơi nên rất lo lắng.
"Đọc bài viết của anh Đà em mừng rỡ, gọi điện đăng ký luôn. Nhờ sự giúp đỡ đó, đến nay em và các bạn trong xã chưa bị muộn hay lỡ buổi học nào", Linh nói.
Kết thúc tuần làm việc thiện nguyện, chiều 14/9 anh Đà cho biết đã nhận được nhiều lời cảm ơn từ phụ huynh. Tuần tới, nếu còn học sinh chưa bố trí được phương tiện đi lại, anh sẽ khảo sát số lượng để lên phương án giúp đỡ. Một số người mong muốn được sử dụng dịch vụ vận tải, song anh Đà khuyến khích phụ huynh nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Thầy Trần Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường THPT Tam Nông, đánh giá sự chia sẻ của anh Đà rất thiết thực, giúp nhiều học sinh có điều kiện học tập tốt nhất.
Cầu Phong Châu nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao sập hai nhịp lúc 10h ngày 9/9 làm 3 ôtô, 6 xe máy, một xe máy điện rơi xuống sông. 3 người được cứu sống, nhiều người mất tích.
Quân đội, công an đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn, nhưng do nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết nên ban đầu chỉ tập trung vào khu ven bờ và hạ lưu. Đến chiều 13/9, nước lũ rút dần, lực lượng chức năng mới tìm kiếm trên diện rộng.
Chiều 14/9, thi thể nạn nhân đầu tiên được tìm thấy cách hiện trường khoảng 10 km về phía hạ lưu sông Hồng. Hiện còn 7 nạn nhân mất tích.
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.