Thời sự
Thứ sáu, 13/9/2024, 20:41 (GMT+7)

Quân đội, công an tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu

Phú ThọChiều 13/9, quân đội, công an bắt đầu tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu trên quy mô lớn dưới sông Hồng, sau nhiều ngày gián đoạn vì sóng lớn.

Chiều 13/9, trời hửng nắng sau nhiều ngày mưa tầm tã, lực lượng chức năng bắt đầu lái canô tìm kiếm 8 nạn nhân đang mất tích sau vụ sập cầu Phong Châu nối huyện Tam Nông và Lâm Thao.

Đây là đợt triển khai tìm kiếm quy mô lớn đầu tiên, với sự tham gia của hơn 30 cán bộ công an, bộ đội. Trước đó do nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết nên lực lượng chức năng chưa thể thực hiện cứu hộ.

Hiện nay mực nước trên sông Hồng tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống mức dưới báo động một.

Phạm vi tìm kiếm các nạn nhân được mở rộng trong phạm vi từ thượng lưu cầu Phong Châu đến cuối huyện Tam Nông, kéo dài hàng chục km.

Ngoài dùng các thiết bị dò tìm, quan sát kỹ giữa sông, quân đội còn lái thuyền đi vào sát mép sông, đề phòng có nạn nhân bị trôi dạt.

Tìm kiếm nạn nhân cầu Phong Châu
 
 

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, chiều 13/9. Video: Đức Hùng

Trên bờ, lực lượng quân đội đi từng ngóc ngách khảo sát, dò tìm nạn nhân mất tích.

Một phần nhịp cầu dạt vào bờ ở xã Hương Nộn, huyện Hạ Hòa. Công an, viện kiểm sát đến kiểm tra, đánh giá tình hình để lên phương án trục vớt.

Theo nhà chức trách, chiều nay người nhái được đưa đến hiện trường, định lặn xuống tìm các nạn nhân ở phía dưới nhịp cầu bị chìm. Tuy nhiên, qua đánh giá thấy địa hình dòng chảy vẫn phức tạp, nên tạm thời người nhái chưa triển khai công tác cứu hộ, chờ sóng lặng.

Lực lượng công an lái thuyền đi chậm, tìm kiếm ở dưới chân cầu Phong Châu.

Cảnh sát cũng thông báo người dân làm nghề chài lưới trên sông Hồng nếu phát hiện bất kỳ chi tiết nào nghi vấn cần báo ngay cho chính quyền.

Cuối giờ chiều, việc tìm kiếm các nạn nhân kết thúc, nhà chức trách chưa thông tin cụ thể về kết quả. Dự kiến ngày mai các lực lượng tiếp tục làm việc.

Người dân địa phương tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, báo cáo ngay những dấu hiệu bất thường trên mặt nước.

Tại sở chỉ huy tiền phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch huyện Tam Nông, liên tục họp bàn với các lực lượng về phương án tìm kiếm. Theo ông Hùng, kể từ khi xảy ra vụ sập cầu hôm 9/9 đến nay, đây là đợt cứu hộ quy mô lớn nhất với sự tham gia của nhiều lực lượng.

Người nhà các nạn nhân túc trực tại sở chỉ huy, chờ thông tin từ lực lượng cứu hộ.

Ở bãi đất trống phía hạ lưu xã Hương Nộn, cách cầu Phong Châu khoảng một km, Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 đã đưa nhiều phương tiện, thiết bị đến tập kết để chuẩn bị cho quá trình lắp cầu phao.

Theo Phó chủ tịch huyện Nguyễn Mạnh Hùng, việc lắp cầu phao phải tùy thuộc vào dòng chảy, nếu thời tiết, dòng chảy thuận lợi thì thời gian lắp đặt chỉ 3-4 tiếng.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông của tỉnh Phú Thọ, được đưa vào khai thác từ năm 1995. Cầu dài 375 m, gồm 8 nhịp, các nhịp bên ngoài là dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, các nhịp chính bằng kết cấu dàn thép, các trụ cầu bằng bêtông cốt thép.

Báo cáo của tỉnh Phú Thọ cho biết có 10 phương tiện di chuyển trên cầu gồm 3 ôtô, 6 xe máy, một xe máy điện rơi xuống sông lúc cầu sập. 3 người được cứu, 8 người đang mất tích.

Người dân từ Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Yên Lập bình thường qua cầu Phong Châu, sang TP Việt Trì chỉ mất 15-20 km, nhưng nay cầu sập phải đi vòng xa hơn, khoảng 50-60 km.

Vị trí cầu Phong Châu. Đồ họa: Đăng Hiếu

Đức Hùng

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.