Tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Kim Truyền thường được gọi với cái tên "Diệu dầu dừa" bởi nghề làm dầu dừa thủ công ngót nghét vài chục năm. Người phụ nữ 51 tuổi vốn quen những công việc tay chân nay bắt đầu làm quen với việc đăng tải hình ảnh và thông tin về những sản phẩm của cơ sở mình trên sàn thương mại điện tử Lazada.
Không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ khi làm quen với những thao tác trên smartphone hay máy tính để đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, song bà chủ Diệu cho biết: "Cái gì khó, cái gì mới mình cũng nên thử, nếu không thì mãi không tiến lên được!"
Bà cũng bày tỏ sự hứng thú và tin tưởng với cách bán hàng mới vì như bà nói, "người ta chuộng dùng Lazada do vận chuyển hàng nhanh, mức giá phải chăng và uy tín".
Nỗ lực bám nghề của dân xứ dừa
Cơ sở Thiên Ân của bà chủ Diệu là một trong số hàng trăm cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên sản xuất các sản phẩm từ dừa tại Bến Tre - "thủ phủ" dừa cả nước với tổng diện tích đạt hơn 72.022 hecta và sản lượng đạt 612,5 triệu trái năm 2018.
Chất lượng dừa tại Bến Tre vốn được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Đó là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt sản phẩm đa dạng từ dừa, bao gồm: thực phẩm (bánh, kẹo, thạch, sữa...); mỹ phẩm (dầu, mặt nạ, son dưỡng, tinh dầu, dầu gội, xịt chống muỗi...); hàng thủ công mỹ nghệ (chén gáo dừa, bộ muỗng đũa, bộ ấm trà...) hay sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp (than hoạt tính từ gáo dừa, chỉ xơ dừa...). Trong đó, nhiều dòng sản phẩm được ứng dụng công nghệ cao và nền tảng khoa học hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, một thực trạng mà hầu hết các doanh nghiệp dừa tại Bến Tre gặp phải là khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. "Trước nay đa phần người dân Bến Tre bán sản phẩm cho hệ thống thương lái nên không chủ động được về giá cả. Nhiều mặt hàng giá rẻ, đầu ra không ổn định gây khó cho nông dân", Huế My, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Yes Coco tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành cho biết.
Khúc mắc về đầu ra cho sản phẩm của các hộ nông dân và kinh doanh nhỏ lẻ tại Bến Tre nói riêng và nhiều tỉnh thành Việt Nam nói chung cũng là lý do Lazada triển khai dự án "Làng nghề đặc sản online" với mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các vùng nông thôn tiếp cận mô hình thương mại điện tử, mở rộng việc kinh doanh.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của Lazada nhằm góp phần xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện và bền vững vào năm 2030. Qua các hoạt động cụ thể, Lazada cam kết hỗ trợ 8 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ 300 triệu khách hàng, tạo 20 triệu cơ hội việc làm mà Bến Tre là địa phương đầu tiên được chọn để khởi động dự án này.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nhận sự hỗ trợ từ chương trình "Ngày của làng dừa Bến Tre", Yes Coco của Lê Thị Huế My cũng là dự án hiếm hoi của thanh niên Bến Tre gắn liền với ứng dụng công nghệ 4.0 và mục tiêu phát triển bền vững.
Từ xưởng sản xuất thủ công bằng máy chạm gỗ, tiện gỗ tự động hóa, nay Yes Coco của hai vợ chồng Huế My đã và đang tập trung vào việc phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chính thân, lá và quả của cây dừa.
Nhiều sản phẩm thông dụng và hữu ích đã được sáng tạo ra như đồ dùng phòng ăn, đồ dùng phòng khách, chậu trồng cây, giỏ xách, thiệp chúc mừng... đã được sáng tạo ra. Cùng với việc mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, Huế My cũng chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đưa dừa lên bán trực tuyến
Những khách hàng mà Huế My hướng tới là những người mong muốn sử dụng các vật dụng tự nhiên, an toàn, thân thiện với môi trường, các cửa hàng kinh doanh đồ ăn...
Với việc đưa những sản phẩm của Yes Coco bán trực tuyến tại sàn thương mại điện tử của Lazada, "Theo cách này thì những khách hàng ở các tỉnh thành trên cả nước có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm của Yes Coco. Tôi sẽ tính đến phương án vận chuyển tốt nhất cho mỗi khách hàng", Huế My chia sẻ.
Theo Huế My, Lazada hỗ trợ thông tin khách hàng ổn, hệ thống quy chuẩn giúp sàng lọc các nhà cung cấp uy tín để người mua dễ dàng chọn được những sản phẩm có chất lượng tốt.
Với mức độ tăng trưởng của thương mại điện tử trên 30% trong hai năm gần đây, dự án "Làng nghề đặc sản online" của Lazada được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, các hoạt động dịch vụ và nâng cao khả năng, phát triển mạnh trong thời gian sắp tới.
"Nhà bán hàng tham gia dự án 'Làng nghề đặc sản online' sẽ được hỗ trợ mở gian hàng miễn phí, không phải trả phí hoa hồng trên Lazada. Doanh nghiệp còn được cung cấp nhiều công cụ quản lý gian hàng như quản lý tồn kho, quản lý hàng bán ra, tự động giới thiệu cho các doanh nghiệp những mặt hàng bán chạy, nên tăng mặt hàng nào và giảm mặt hàng nào để vạch ra chiến lược kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp", ông Vũ Quốc Tuấn - Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam bổ sung.
Chương trình "Ngày của Làng dừa Bến Tre" được triển khai trên website và ứng dụng di động Lazada trong hôm nay 20/5, cùng nhiều ưu đãi chưa từng có như khuyến mại giảm giá đến 50%, mua một tặng một và nhiều voucher giảm giá 12% cho các sản phẩm làm từ dừa. Lazada sẽ điều hướng lượng lớn truy cập vào trang "Ngày của Làng dừa Bến Tre", giúp những mặt hàng này được nhiều người tiêu dùng biết đến và chọn mua.
"Lazada dành tặng 50.000 đồng phí vận chuyển cho các đơn hàng trên 99.000 đồng đặt mua sản phẩm của dừa Bến Tre trong ngày 20/5 trên toàn quốc. Người tiêu dùng cũng có cơ hội sở hữu nhiều phần quà khi xem livestream 'Ngày của Làng dừa Bến Tre' trên ứng dụng di động Lazada vào 12 giờ trưa 20/5", đại diện Lazada cho biết.
Hà Trương