Nói đến Bến Tre, người ta nghĩ ngay đó là quê hương của xứ dừa. Dừa có giá trị đặc biệt trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, không chỉ là loại cây ăn trái đơn thuần, dừa còn được làm ra nhiều sản phẩm phong phú có giá trị kinh tế cao; đặc biệt là ngành công nghiệp tiêu dùng, tiểu thủ công mỹ nghệ, các vật dụng trong đời sống văn hóa - xã hội... nên dừa còn là loại cây công nghiệp.
Hiện tỉnh Bến Tre có khoảng hơn 52.000ha dừa, sản lượng khoảng 400 triệu trái/năm, giá trị sản phẩm từ dừa chiếm hơn 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nếu năm 2000 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ dừa của Bến Tre là 17 triệu USD, thì đến năm 2011 tăng lên 159 triệu USD. Mỗi năm sản phẩm từ dừa đem lại nguồn lợi kinh tế cho tỉnh Bến Tre khoảng 4.000 tỷ đồng.
Nhưng gần đây, dừa Bến Tre đang bị khủng hoảng “đầu ra”, không có thị trường tiêu thụ, giá giảm mạnh; trong đó mặt hàng thuộc sản phẩm từ dừa giá giảm thấp nhất 20%, cao nhất (cơm dừa nạo sấy) giá giảm trên 50% so với cùng kỳ (thông tin từ Sở Công thương Bến Tre). Giá giảm khiến các hộ nông dân trồng dừa lâm vào cảnh khó khăn, không biết phải làm sao? Nhiều người định loại bỏ dừa để tìm những loại cây trồng khác sinh lợi hơn... Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Để khắc phục tình trạng này nhằm cứu lấy vườn dừa không bị phá hủy, lãnh đạo tỉnh bến Tre chủ trương hỗ trợ nông dân trồng dừa một ít vốn để khắc phục khó khăn về đời sống, tiếp tục duy trì vườn dừa. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Những giải pháp mang tính chiến lược cho dừa Bến Tre là: Thứ nhất, nên chăng Bến Tre sớm có đề án trình Chính phủ để dừa được công nhận là một loại cây công nghiệp? Trên cơ sở đó, đề xuất với Chính phủ có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng sản xuất và chế biến từ dừa nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư.
Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại và đầu tư để đa dạng hóa “đầu ra”. Song song đó, cần quy hoạch cụ thể và tổ chức lại sản xuất, xác định mặt hàng chiến lược để kêu gọi đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế, để dừa Bến Tre trở thành thương hiệu quốc gia có sức lan tỏa...
Thứ ba, cần nghiên cứu và hướng dẫn cho nông dân tận dụng ao hồ, mặt nước, mặt đất... để nuôi trồng chen canh lấy ngắn nuôi dài; kết hợp giữa nuôi và trồng, giữa công - nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp... nhằm cải thiện đời sống gia đình, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị phục vụ yêu cầu của xã hội; đồng thời góp phần giữ vững môi trường sinh thái tự nhiên vốn có. Về lâu dài, dừa Bến tre chẳng những là nguồn lợi về kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa và du lịch.
(Lao Động)