![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hòa. |
- Thưa ông, cơ sở nào để khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu 70.000 lao động, trong khi nhiều thị trường đang rất khó khăn?
- Thứ nhất, các văn bản hướng dẫn pháp luật đến nay đã cơ bản xong. Năm 2004 chúng ta có thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn, mức phí khám sức khỏe cho người đi làm việc ở nước ngoài; chuẩn bị có thông tư về đấu tranh phòng chống tiêu cực trong xuất khẩu lao động. Và lần đầu tiên chúng ta đã có Quỹ xuất khẩu lao động.
Thứ hai, những thị trường lớn dù có biến động, thử thách, nhưng chúng ta cũng đã đạt được nhiều thoả thuận. Tại thị trường Malaysia, đầu năm 2004 chúng ta gặp khó khăn khi phải đưa về nước một số công nhân xây dựng, nhưng nay đã ổn định. Bản thỏa thuận với Malaysia đã được cụ thể hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, chủ sử dụng và cả lao động trong việc giải quyết tranh chấp, chuyển đổi chủ... Thị trường Hàn Quốc thì thắng lợi với việc Việt Nam được tham gia Luật cấp phép lao động mới. Còn Nhật Bản, nếu làm tốt việc chống trốn, thị trường này sẽ phát triển gấp nhiều lần hiện nay.
Thực tế, chúng ta có thể đưa hàng trăm nghìn lao động đi xuất khẩu mỗi năm bằng cách xây dựng Luật xuất khẩu lao động. Luật ấy phải đổi mới cơ bản về quan điểm là không phải doanh nghiệp chăm bẵm lao động từ lúc đi tới về, mà tạo điều kiện tối đa để lao động tự vươn lên.
- Đến giờ phút này, Đài Loan đã đưa ra phán quyết gì về việc đóng cửa thị trường?
- Bây giờ nói mạnh thì chưa ai dám bởi suốt 2 năm qua, thị trường này bị đe dọa do tỷ lệ lao động bỏ trốn cao. Bằng nhiều giải pháp, chúng ta đã ổn định thị trường. Số lao động xuất sang Đài Loan năm 2004 cực kỳ lớn, tới 37.000. Với Đài Loan, bây giờ ta phải tiếp tục vận động, tìm kiếm đưa lao động trốn về nước, hạn chế số trốn mới.
- Sau 2 năm bị đóng băng, lao động Indonesia lại được phép quay trở lại Đài Loan. Đây có phải là mối đe dọa đối với Việt Nam?
- Đúng, đây cũng là một thách thức. Nhưng cũng cần lưu ý, 5 năm làm với Đài Loan đã cho phép hai bên hiểu nhau. Rất nhiều chủ sử dụng thích lao động Việt Nam. Nếu doanh nghiệp ta làm tốt việc chống trốn thì tôi tin rằng thị trường này không có gì lo ngại.
- Năm 2005, Việt Nam sẽ xúc tiến, mở thêm thị trường lao động nào mới?
- Chúng ta đã đưa lao động sang Anh, Lybi song chưa nhiều. Các thị trường như Ảrập Xêút, Kuwait và Irắc cũng đang được xúc tiến để khi tình hình cho phép thì ta sẽ đưa lao động sang. Trung Đông, châu Phi là một trong những thị trường trọng điểm. Còn Anh, Canada, Hy Lạp là thị trường tốt, thu nhập cao, nhưng để xuất được nhiều lao động sang đây là rất khó.
Quan điểm của Cục Quản lý là tập trung đầu tư khai thác thị trường mới. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động sẽ giúp đỡ doanh nghiệp khi đi khai thác, thậm chí cả khâu đào tạo lao động. Nhưng trước hết chúng ta phải làm tốt ở thị trường hiện có.
- Doanh nghiệp và kể cả chủ sử dụng phàn nàn lao động Việt Nam ý thức kém, hay bỏ trốn. Theo ông, phải khắc phục vấn đề này như thế nào?
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các doanh nghiệp xác định năm 2004-2005 tập trung vào chất lượng lao động xuất khẩu, không chạy theo số lượng. Nếu tăng số lượng phải phù hợp với khả năng quản lý. Năm 2005, chúng tôi sẽ tập trung vào việc chống lao động bỏ trốn. Hai biện pháp cơ bản là, hạ chi phí đưa lao động đi, đặc biệt là đối với Đài Loan và Malaysia; đưa ra các chế tài xử lý nghiêm khắc lao động vi phạm.
- Hiện, bộ đang tham mưu với Chính phủ xây dựng nghị định về xử lý lao động xuất khẩu bỏ trốn. Xin ông cho biết một vài thông tin về nghị định này?
- Cục đã đề xuất với bộ đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định quy định hành vi lao động bỏ trốn ở ngoài nước là vi phạm và kèm theo đó là chế tài xử lý tương xứng. Chế tài cụ thể thì chưa bàn, nhưng theo tôi nó phải đủ tính răn đe, cưỡng chế, chứ không chỉ là khuyên răn nữa.
- Một số doanh nghiệp cho rằng cần phạt tù lao động xuất khẩu bỏ trốn. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng, không nên và cố gắng không hình sự hóa những quan hệ kinh tế, dân sự.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: - Giải quyết việc làm cho 1.600.000 người, trong đó: giải quyết việc làm trong nước 1.530.000 người; xuất khẩu lao động 70.000. - Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 5,4%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên 80%. - Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp xuống 56%; tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ lên 44%. - Tuyển mới học nghề dài hạn 228.590 học sinh, tăng 12% so với năm 2004; dạy nghề ngắn hạn 956.000 học sinh, đưa tổng số tuyển mới dạy nghề là 1.184.590. - Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%. - 90% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. - Tổ chức cai nghiện phục hồi 65.000 lượt đối tượng, trong đó 25.000 lượt đối tượng mới. |
Như Trang thực hiện