Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ tư, 28/9/2022, 06:00 (GMT+7)

Đưa 6 tấn đất lên sân thượng làm vườn

Nghệ AnChi hơn 100 triệu làm nhà lưới và thuê cần cầu kéo 6 tấn đất, phân bón lên sân thượng làm vườn, sau một năm chị Hoài Thu, 35 tuổi, có kết quả ngoài mong đợi.

Tháng 12/2021, chị Trần Thị Hoài Thu, ở TP Vinh, nảy ra ý tưởng tận dụng sân thượng bỏ không để trồng rau cho gia đình do Covid-19 khiến thực phẩm khan hiếm. Sân thượng của ngôi nhà gia đình đang sống có diện tích 200 m2, chị Thu dành 50 m2 trồng rau quả, phần còn lại làm sân chơi, nướng BBQ mỗi khi rảnh rỗi.

Ban đầu, hai vợ chồng chị tự vác 50 bao đất lên sân thượng tầng bốn. Nhưng khi quyết định làm nhà lưới và mở rộng diện tích trồng, cần tới 600 bao đất (khoảng 6 tấn) và phân, anh chị thuê cẩn cẩu kéo lên.

Chị Hoài Thu tự xuống giống các loại rau, gắn thẻ theo ngày để theo dõi độ phát triển của cây.

Lúc bắt đầu, chị chỉ trồng ít xà lách, xu hào, cà chua, rau ăn lá. Nhưng vì không dùng thuốc diệt sâu, nấm hại, hai vợ chồng bắt sâu không xuể. "Trồng tốn công nhưng thu hoạch chẳng đủ nấu bữa canh. Vì thế, tôi quyết định làm nhà màng lưới để đỡ sâu bệnh và không sợ bị mưa dập nát rau", chị nói.

Vợ chồng bà chủ tiệm bánh và cà phê cho biết, chi phí làm nhà lưới khoảng 100 triệu đồng. Bị nhiều người chê là phí tiền, tốn kém nhưng xác định làm lâu dài, có nguồn rau quả sạch cho gia đình và chỗ thư giãn sau giờ làm việc, nên vợ chồng chị vẫn chấp nhận đầu tư.

Có nhà lưới, rau không bị sâu, rệp phá hoại nên phát triển tốt, gia đình dùng không xuể. Chị Hoài Thu cho biết, khâu quan trọng nhất là trộn, ủ đất đúng công thức, đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Chủ vườn trộn theo công thức 50% đất thịt, 30% phân các loại (phân bò, trùn quế, gà, dê...), 20% chất tạo xốp như xơ dừa đã xử lý, trấu hun, vỏ lạc, vỏ trứng... và nấm đối kháng tricoderma.

Sau mỗi lần thu hoạch xong, chị đảo đất, trộn vôi, phơi để đất nghỉ 10-15 ngày, sau đó trộn lại như ban đầu. "Lứa rau đầu hơn một tháng đã thu hoạch. Các loại cây thì cần hai tháng trở lên", chị cho hay.

Trồng nhà màng giảm được một phần sâu, bệnh, côn trùng, nhưng đổi lại người trồng phải thụ phấn bằng tay. Sáng sớm, chị Hoài Thu lên vườn cắt tỉa lá, thụ phấn cho dưa, với bầu thì canh đêm muộn. Một tuần, chị luân phiên sử dụng các loại phân bò, phân trùn quế, dê và các loại tự ủ như đạm cá, dung dịch trứng-sữa-chuối, phân rác bếp, tưới cho cây.

Để trị bọ phấn trắng, trĩ, nhện đỏ, rầy rệp, chị sử dụng tinh dầu cam, dung dịch bồ hòn, dung dịch thuốc lào, .... và dùng nước vôi trong, trichoderma để phun các loại nấm.

Lần đầu tiên trồng dưa lưới, chị chỉ trồng thử ba cây. Thành công, có đà, chị trồng 40 cây dưa lê, dưa lưới đủ loại. "Dưa lưới TL3 ngọt giòn, độ brix (mật độ đường) lên đến 15. Con gái và chồng ăn rất khen, thậm chí còn khuyên phá vườn trồng hết dưa đi", chị kể.

Mùa hè năm nay, chị Hoài Thu trồng thành công hai vụ dưa, với đủ loại như dưa lưới, dưa vàng, dưa hấu, dưa lê Hàn, lê tiger, lê xanh, dưa chuột,...

Ở một góc nhà lưới, chị Hoài Thu trồng các loại mướp đắng trái tim, mướp hương, bầu, bí. Mướp hình trái tim không chỉ đẹp mắt mà còn thơm, giòn, không đắng gắt.

Cà chua trái cây Nova dùng để ăn sống. Chị Thu trồng hai cây, sau 5 tháng hiện vẫn đang cho ra quả liên tục. Mỗi tuần, chị thu hoạch được từ 200-300 g. "Cà chua quan trọng nhất là đất phải tơi xốp, thoát nước tốt", chị chia sẻ bí quyết.

Bên ngoài nhà lưới, chị Hoài Thu tận dụng trồng các loại rau ăn lá, ít chậu sen và cây ăn quả như táo, ổi. Đây là góc chị chăng đèn tối tối cùng chồng và hai con thưởng trăng, nướng BBQ.

Hiện tại, bữa ăn gia đình chị Hoài Thu luôn có rau củ, quả sạch. Không phải mua rau bổ sung, chị còn có dư để biếu bố mẹ hai bên và bạn bè.

Khu vườn còn là chỗ giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Các con chị cũng có chỗ chơi đùa, tìm hiểu các loại cây cối. "Từ khi có vườn, mình được kết bạn, giao lưu với rất nhiều anh chị có chung niềm đam mê ở khắp cả nước", chị Hoài Thu nói.

Nhật Minh
Ảnh nhân vật cung cấp