Thứ năm, 30/5/2024
Thứ hai, 12/2/2024, 09:00 (GMT+7)

Du xuân trên đường Trường Sơn huyền thoại

Quảng BìnhNhững nơi mang dấu ấn lịch sử như hang Tám Cô, đường 20 Quyết Thắng, cửa khẩu Cà Roòng, bản Tuộc là những điểm đến ý nghĩa trên đường Trường Sơn trong hành trình đầu năm.

Quảng Bình là tỉnh hẹp nhất miền Trung, từ bờ biển đến biên giới Việt - Lào chỉ khoảng 50 km nhưng sở hữu nhiều kỳ quan thế giới như động Phong Nha, Thiên Đường, hang Sơn Đoòng, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Quảng Bình còn ghi đậm dấu ấn lịch sử với một phần đường Trường Sơn huyền thoại (đường Hồ Chí Minh hiện nay), cũng là đoạn bị đánh phá ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ.

Trong các tỉnh miền Trung, Quảng Bình còn nhiều địa danh lịch sử vẫn khá nguyên sơ, đặc biệt là đường 20 Quyết Thắng (bắt đầu từ phà Xuân Sơn xuyên vườn quốc gia Phong Nha sang Lào), những "toạ độ lửa" như Cà Roòng - ATP, các trọng điểm Trạ Ang, dốc Ba Thang hay những địa danh như bản Tuộc, hang Tám Cô. Trên ảnh là cầu Trạ Ang.

Đi qua cầu Trạ Ang theo tuyến đường 20 Quyết Thắng, bạn sẽ đến hang Tám Cô. Bên ngoài cửa hang là bia đá ghi danh 8 liệt sĩ thanh niên xung phong và 5 liệt sĩ binh chủng pháo binh.

Ngày 14/11/1972, để tránh bom Mỹ, một đội thanh niên xung phong gồm 8 người (ngoài một người lớn nhất 37 tuổi, còn lại đều từ 18 đến 20) đã vào hang trú ẩn. Không may, cửa hang bị lấp, họ hy sinh. Sau này người ta gọi hang là Tám Cô để tiếc thương 8 thanh niên đã hy sinh.

Những di vật được tìm thấy tại hang Tám Cô trong đợt khai quật năm 1996 hiện được trưng bày bên trong khu tưởng niệm ở hang.

Hang Y Tá, nơi gắn liền với câu chuyện về sự hy sinh của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng. Hang nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng cùng nhiều đồng đội quê Thanh Hóa đã tình nguyện tham gia TNXP phục vụ trên đường 20 Quyết Thắng. Giữa năm 1972, y tá Sặng chăm sóc và chuyển thương binh ra Bắc điều trị. Khi nghỉ chân tại km 18 thì chị Sặng bị sốt cao. Biết mình không qua khỏi, để không cản trở đoàn hành quân, chị đã tự nguyện nằm lại và hy sinh. Sau này, thi thể chị Sặng được phát hiện và mai táng cạnh hang đá.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ngôi đền nằm ở đoạn cuối địa phận Việt Nam của đường 20 Quyết Thắng, ở xã biên giới Thượng Trạch.

Ngôi đền tọa lạc trên dãy Trường Sơn, tổng diện tích 1,8 ha, gồm các hạng mục: đền thờ chính, nhà bia, gác chuông, cổng tứ trụ, nhà công vụ, bãi đỗ xe, sân, đường nội bộ và các hạng mục phụ trợ cùng khuôn viên xanh.

Tuyến đường 20 còn là nơi nối trung tâm Phong Nha với cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma thông sang Lào. Đây là một trong những khu vực từng rất khó tiếp cận do đường xấu, đi lại khó khăn. Trên ảnh là cột mốc biên giới nơi người dân hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) qua lại bằng giấy thông hành mà không cần hộ chiếu.

Tiếp tục trên con đường 20, bạn sẽ đến bản Tuộc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nơi định cư của những hộ dân mang hai dòng máu Việt Nam - Lào, là đồng bào Ma Coong nằm giữa rừng Trường Sơn.

Ở đây có những sườn đồi do người dân phát nương làm rẫy trồng ngô, trồng nếp, thỉnh thoảng bắt gặp những hố đất sâu rộng lớn. Đó chính là những hố sâu do bom đạn nhằm cắt đứt đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Người dân trong vùng gọi bản Tuộc bằng tên "Bản hạnh phúc". Những em bé đồng bào Ma Coong được bố mẹ chăm sóc, chúng nói tốt tiếng phổ thông, trò chuyện với người lạ mà không ngại ngùng. Dân bản có trâu, bò và nhiều loại gia cầm khác.

Trong khu vực này có thác Bụt, nơi các cô gái Ma Coong tắm suối trước khi tham gia lễ hội đập trống để tìm cho mình một ý trung nhân.

Một bữa ăn cho du khách khi tới bản Tuộc gồm các món như gà nướng, cá suối, rau rừng.

Những con đường là một phần của rừng Trường Sơn, nơi có những cánh rừng bạt ngàn từng bị bom đốt cháy 50 năm về trước, nay phục hồi xanh tươi.

Những điểm đến kể trên, du khách có thể ghé thăm một ngày trong tour "Hành trình tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại", nơi du khách sẽ được nghe kể và biết thêm những dữ liệu về lịch sử của con đường Trường Sơn.

Linh Hương
Ảnh: Oxalis Holiday

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net