Bộ trưởng Tài chính John Connally dưới thời Tổng thống Mỹ Nixon đã từng nói: "Tiền tệ là của chúng tôi, nhưng vấn đề thì là của các anh". Nhận định này đang trở nên đúng hơn bao giờ hết khi những năm gần đây, Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa luôn bất đồng gay gắt xung quanh vấn đề trần nợ công của Mỹ.
Dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng châu Á hiện đã lên tới gần 7.000 tỷ USD, chủ yếu bằng USD. Kể từ sau khủng hoảng 1997, các ngân hàng trung ương trong khu vực đã tăng cường tích góp USD để chống lại biến động. Việc này đã thay đổi thị trường tài chính theo hai hướng. Thứ nhất, châu Á có nhiều vũ khí chống lại bất ổn, nhưng lại ít biết cách sử dụng. Thứ hai, khu vực này trở thành ngân hàng cho Mỹ, với Trung Quốc và Nhật góp phần lớn nhất.

Việc này sẽ không đến nỗi rắc rối nếu Mỹ không tranh cãi liên miên về nâng trần nợ, khiến S&P phải hạ xếp hạng tín dụng nước này năm 2011 và làm thị trường hoảng loạn. Những tháng qua, cả châu Á cũng lại nín thở chờ đợi cuộc họp sắp tới của Quốc hội Mỹ về nợ công.
Theo William Pesek, chuyên gia phân tích tại Bloomberg, các nước châu Á nên ngừng việc coi dự trữ ngoại tệ khổng lồ là sức mạnh tài chính. "Chúng chỉ là cái bẫy làm phức tạp các chính sách kinh tế mà thôi. Đã đến lúc châu Á phải tìm ra lối thoái", ông cho biết.
Trung Quốc đang nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi phụ thuộc vào xuất khẩu mà không gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên, nếu Mỹ lại chiến tranh trần nợ lần nữa, thị trường sẽ biến động và NDT sẽ mạnh lên so với USD. Hậu quả là Trung Quốc sẽ mất hàng chục tỷ USD giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ.
Nhật Bản cũng lâm vào tình trạng tương tự. Cột trụ quan trọng trong chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe để chấm dứt giảm phát và hồi sinh kinh tế là đồng yen yếu. Nội tệ giảm giá 17% từ cuối năm ngoái đã giúp các hãng xuất khẩu nước này ăn nên làm ra. Tuy nhiên, yen cũng sẽ mạnh lên lần nữa nếu Mỹ bị hạ xếp hạng.
Châu Á càng dự trữ nhiều nợ Mỹ, họ càng khó bán được chúng. Chỉ cần các nhà đầu tư có cảm giác Trung Quốc sắp bán 1.300 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, thị trường sẽ chao đảo. Việc tương tự cũng sẽ xảy ra nếu Nhật Bản bán số nợ 1.100 tỷ USD. Vì vậy, họ sẽ phải tiếp tục mua vào.
Thế giới chưa bao giờ chứng kiến tài nguyên được phân bổ lệch như hiện nay. Tích USD sẽ giúp các hãng xuất khẩu châu Á giữ nội tệ ở mức thấp. Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra một số hệ lụy kinh tế. Khi ngân hàng trung ương mua USD, họ sẽ phải bán nội tệ, làm tăng cung tiền và nguy cơ lạm phát. Vì thế, họ lại bán trái phiếu để hút về số tiền dư. Quá trình này còn phức tạp hơn nữa vì các chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Theo Pesek, ít nhất, châu Á cũng nên ngừng tích trữ USD và cân nhắc các cách thu hồi vốn về nước để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và năng lượng sạch. Các nền kinh tế nhỏ đi tiên phong sẽ có lợi thế hơn trong việc này. Hàn Quốc (với 53 tỷ USD trái phiếu Mỹ), Philippines (40 tỷ USD) và Malaysia (18 tỷ USD) có thể lặng lẽ bán trái phiếu. Đây là việc các nước lớn khó làm nổi khi mạng lưới thông tin thế giới hoạt động 24/7. Tin tức về các lệnh bán của các ngân hàng trung ương lớn có thể gây ra hiệu ứng bán hàng loạt trên toàn cầu.
Washington có thể hỗ trợ việc này, không chỉ bằng việc tránh tranh cãi dai dẳng về trần nợ. Theo Pesek, Bộ Tài chính nên phối hợp với các nước châu Á, giúp họ giảm dự trữ ngoại hối mà không ảnh hưởng đến thị trường. Mỹ sẽ được lợi nhất nếu giữ số nợ này tại quê nhà, như Nhật Bản vẫn đang làm. Họ khuyến khích các công ty giàu tiền mặt trong nước mua trái phiếu, thay vì bán ra nước ngoài. Việc đó cũng sẽ khiến Mỹ ít tổn thương hơn nếu bị rút vốn quy mô quy mô lớn trong tương lai.
Thế giới đang rất cần một hội nghị thượng đỉnh về tiền tệ. Pesek gợi ý Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) có thể đứng ra chủ trì. Các cuộc thảo luận cấp cao như vậy sẽ giúp châu Á thiết lập được mục tiêu và cân nhắc cơ chế, thời điểm lấy lại số vốn đã bỏ ra. Chỉ khi đó, USD mới trở thành lối thoát, chứ không phải vấn đề, với các thách thức của châu Á.
Thùy Linh (theo Bloomberg)