Dự thảo tuyên bố chung G20 dài 38 trang, được truyền thông tiếp cận ngày 8/9, có 75 đoạn đã được thống nhất về biến đổi khí hậu, tiền ảo và cải cách trong các ngân hàng phát triển đa phương. Tuy nhiên, dự thảo đang bỏ trống đoạn đề cập "tình hình địa chính trị".
Do những khác biệt trong quan điểm liên quan tới chiến sự Nga - Ukraine, nhóm đại diện của các thành viên G20 trong nhiều ngày qua tìm cách thống nhất ngôn ngữ để Nga tham gia đưa ra tuyên bố chung.
Amitabh Kant, người đứng đầu nhóm đại diện của Ấn Độ, ngày 8/9 cho biết tuyên bố chung của G20 "gần như đã sẵn sàng". "Chúng tôi sẽ đề xuất tuyên bố này với các lãnh đạo", ông Kant nói, song từ chối bình luận thêm về văn bản.
Các nước phương Tây muốn tuyên bố chung của G20 "lên án mạnh mẽ" chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine. Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ chặn tuyên bố chung nếu không phản ánh lập trường của nước này về vấn đề Ukraine.
Một nguồn tin cho biết tuyên bố chung G20 có thể bao gồm các đoạn nêu quan điểm khác nhau của các thành viên, hoặc ghi lại sự nhất trí và bất đồng quan điểm trong một đoạn văn.
Nguồn tin thứ hai nhận định "chúng tôi có thể bỏ qua khác biệt, cũng như đưa ra tuyên bố chung rằng chúng ta cần hòa bình và hòa hợp trên toàn thế giới để các bên đều đồng ý".
Trong trường hợp không đạt được đồng thuận, Ấn Độ sẽ phải đưa ra tuyên bố chủ trì. Điều này đồng nghĩa với việc G20 lần đầu tiên không có tuyên bố chung sau 20 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra tại Ấn Độ ngày 9-10/9. Các nhóm đại diện trao đổi về dự thảo tuyên bố chung trong 4 ngày trước khi lãnh đạo G20 bắt đầu thảo luận ngày 9/9.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế và 2/3 dân số toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy chính sách liên quan đến ổn định tài chính và định hướng phát triển kinh tế thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)