Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 7/4 thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, toàn bộ nội dung Điều 75 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã được sửa đổi.
Quy định chung "dự án được thu hồi đất để phục vụ công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng" đã được ban soạn thảo sửa đổi. Theo đó, dự thảo nêu chi tiết những dự án được phép thu hồi đất gồm: xây dựng công trình công cộng (giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông); xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, ngoại giao.
Đất thực hiện dự án vì mục đích công cộng khác như nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trình thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, sẽ do Nhà nước thu hồi để đấu giá.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thay đổi này nhằm quy định rõ dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, kèm tiêu chí cụ thể. "Liệt kê toàn bộ các dự án được phép thu hồi đất vào trong luật giúp dự thảo cụ thể hơn rất nhiều", ông đánh giá.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm thẩm quyền thu hồi đất theo hướng: Thủ tướng quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng, Công an.
"Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính đồng bộ thẩm quyền của Thủ tướng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hóa việc thực hiện", ông Cường nói.
Thu hồi đất là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến đại biểu Quốc hội và nhân dân. Nhiều người cho rằng nếu chỉ quy định chung là thu hồi đất để thực hiện dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện do khái niệm có thể được hiểu theo nghĩa khác nhau.
Cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi quy định về bồi thường, tái định cư trong dự thảo luật trình lần này. Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, người có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định đời sống.
Khu tái định cư phải hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ theo quy hoạch. Nếu thu hồi đất ở trung tâm thì các cơ quan phải tính toán phương án bồi thường ở vị trí có điều kiện tương tự, xen kẽ trong khu dân cư "chứ không đưa tít ra ngoại ô".
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị ban soạn thảo đánh giá lại quy định 4 hình thức nhận bồi thường khi bị thu hồi đất. Điều này dẫn đến nhiều người có lựa chọn khác nhau, gây khó khăn cho chính quyền. Ông đề nghị dự luật quy định hai hình thức nhận đền bù, bằng tiền hoặc bằng đất cùng mục đích sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) thì cho rằng người mất đất nông nghiệp là mất sinh kế, nên việc bồi thường bằng nhà ở có thể không hợp lý. Theo ông, đơn vị thu hồi đất cần hỗ trợ việc làm cho người dân, đồng thời đảm bảo rằng họ nhận nơi ở mới và được đền bù trước khi di dời.
Theo kế hoạch, dự luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.