Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng chiều 22/3, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an đã giải trình việc chậm trễ trong soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực từ đầu năm 2019).
Theo đó, Bộ Công an được phân công chủ trì xây dựng 3 văn bản quy định chi tiết đạo luật này gồm hai nghị định và quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Các dự thảo trên phải trình Chính phủ trước 1/10/2018. Tuy nhiên, khi Bộ Công an triển khai xây dựng đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nên việc xin ý kiến phải thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ.
"Chúng tôi đã có 216 văn bản gửi xin ý kiến. Việc tiếp thu, giải trình cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặc biệt phải đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nên tiến độ bị chậm so với quy định", ông Vương nói và cho biết công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin Truyền thông nên cần có thời gian trao đổi kỹ.
Đến nay Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng sẽ trình dự thảo hai nghị định vào cuối quý 1 năm 2019; dự thảo quyết định của Thủ tướng trình trong quý 2.
Vụ trưởng Pháp luật Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ nhận định, văn bản hướng dẫn Luật an ninh mạng là vấn đề khó. Đây cũng là một dự án Luật nhận được nhiều ý kiến nhưng Chính phủ quyết tâm xây dựng theo tinh thần bảo đảm an ninh quốc gia.
"Hướng dẫn Luật có vấn đề liên quan đến chức năng các Bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông... nên trong quá trình soạn thảo gặp khó khăn về thống nhất quan điểm, dẫn đến chậm trễ; đề nghị Bộ Công an hoàn thiện để sớm ban hành", ông Sỹ nói.
Về nghị định phát triển công nghiệp an ninh, Thứ trưởng Vương cho biết Bộ đã lập ban soạn thảo và chuẩn bị xin ý kiến bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, thời điểm trình dự thảo xin lùi đến cuối năm vì nội dung điều chỉnh của Nghị định rất mới.
"Vướng mắc lớn nhất là luật Đất đai 2013 không có nội dung giao sử dụng đất quốc phòng an ninh", ông Vương nói và cho biết Bộ Công an đang giao đơn vị chức năng rà soát quy hoạch đất an ninh trong toàn hệ thống công an và khu công nghiệp an ninh.