Chẳng phải một cua-rơ, Diêm Đăng Dũng (1978) vẫn khoác trên người trang phục chuyên dụng, đạp xe vãn cảnh dọc cung đường biển Nam Trung Bộ. Chiếc xe đạp mới mua 3 ngày của anh đã lăn bánh qua quãng đường hơn 900 km trong 11 ngày, từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Bình Định.
Anh Diêm Đăng Dũng có vóc người mảnh khảnh, lại làm ngành công nghệ thông tin thuần công sở, nên nhiều người bất ngờ khi thấy anh đăng tải hình ảnh đạp xe đường dài qua nhiều tỉnh thành trong nước. Tranh thủ dịp lễ 30/4, anh cùng hai người bạn xin nghỉ phép gần hai tuần, thực hiện hành trình.
Vạn sự khởi đầu nan là lời mô tả đúng với chuyến đi của anh Dũng. Kế hoạch trải nghiệm cung đường biển đẹp nhất nhì Việt Nam đã lên dây cót từ lâu, nhưng gần như phải hủy vì Covid-19. Từng địa phương lần lượt thông báo tạm ngưng đón khách, các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động, chỉ thị giãn cách xã hội được ban hành, khi đó vì chưa rõ ngày "mở cửa", anh Dũng luôn trong tình trạng thấp thỏm chờ đợi, rồi tinh thần chùng hẳn.
May thay, đến đúng ngày dự định khởi hành, chính phủ tuyên bố hết giãn cách và mở lại đường bay trong nước vào 23/4. Nhóm từ Hà Nội lập tức đặt vé cho cả xe đạp bay vào miền Nam tối 24/4. Thế nhưng, trắc trở lại xuất hiện khi nhóm đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhóm anh Dũng dự định bắt đầu đạp xe từ biển Vũng Tàu, muốn đi xe khách thẳng từ sân bay về thành phố biển để tiết kiệm thời gian và sức khỏe. Xe khách từ sân bay chỉ có loại 16 chỗ với lượng vé bán giãn cách một hàng ghế, chẳng thể gửi xe đạp theo được. Ba người tháo thùng đựng xe, lắp ráp ngay tại sân bay, rồi đạp đi tìm khách sạn nghỉ đêm.
Sáng hôm sau, anh Dũng cùng bạn đạp xe ra tận bến xe Miền Tây (TP HCM), nảy ra ý định đi xe khách xuống Sóc Trăng rồi đi tàu biển ra Côn Đảo, nhưng đã phải hủy bỏ, vì địa phương chưa cho đón khách du lịch. Tại bến xe, nhiều xe khách chạy tuyến Vũng Tàu đã từ chối chở ba vị khách Hà Nội vì hành lý cồng kềnh.
"Vô cùng sốt ruột và bất lực là cảm giác của mình lúc đó, vừa mừng vì vào được đến đây, thì lại khó khăn để đi tiếp", anh Dũng kể lại. Nhóm đã định đạp thẳng xuống Vũng Tàu, hơn 100 km.
Anh Dũng năn nỉ từng tài xế, cuối cùng cũng có một chú lái xe thông cảm nhận chở. Hấp tấp vì quá mừng, anh đã quên một túi đồ giá trị lớn ở bến xe, nên sau đó anh phải một mình bắt xe khách ngược lại bến xe tìm đồ. "Người dân Sài Gòn vô cùng tốt bụng đã cất giúp và trả mình túi đồ", anh bày tỏ biết ơn.
Chưa khởi hành mà khó khăn ập đến, quá tam ba bận, cuối cùng thì ba chiếc xe đạp cũng có thể lăn bánh trong hành trình dọc biển Nam Trung Bộ.
Chuyến du lịch bằng xe đạp đi qua 6 tỉnh duyên hải. Trong đó, hơn 20 địa danh được nhóm tìm hiểu thấy đẹp nhất, như Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu); vườn thanh long, hải đăng Kê Gà, điện gió Tuy Phong, sa mạc Bàu Trắng, bãi đá bảy màu Cổ Thạch (Bình Thuận); biển Cà Ná, biển Mũi Dinh, đường ven vườn quốc gia Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy, Tháp Chàm Pô Klông Garai, vườn nho (Ninh Thuận); đường ven biển đèo Cổ Mã, Đèo Cả, vịnh Vũng Rô, Mũi Điện, Bãi Xép, Gành Đá Đĩa, cầu gỗ Ông Cọp (Phú Yên)...
Vùng đất "gió như phang, nắng như rang" Ninh Thuận là nơi có khung cảnh ấn tượng nhất với du khách phương Bắc và cũng gây trở ngại nhiều cho đoàn xe ba người. "Đó là đoạn đường đi từ Tháp Chàm về đồng cừu An Hòa, mình có cảm giác như đang lạc vào miền Tây, với sông nước, những cánh đồng lúa dài bất tận, và khung cảnh miền quê yên bình, đẹp đến ngỡ ngàng", anh Dũng kể lại.
Ninh Thuận cũng là địa phương có thời tiết khắc nghiệt khiến các thành viên nản lòng. Đó là lúc oằn mình leo đèo Vĩnh Hy giữa cái nắng trưa và gió biển miền Trung, hay lúc dò dẫm trong bóng tối đi cố qua những con dốc ở thị trấn Sông Cầu. Lúc đó, ai cũng muốn gửi xe lên xe khách về thẳng Hà Nội.
Cố lên hết dốc này sẽ được đổ dốc mát rượi, các thành viên tự động viên nhau như thế, cuối cùng cũng cùng nhau đi hết hành trình. May mắn chuyến đi không gặp nguy hiểm gì. Chính khung cảnh vô cùng đẹp đã tạo động lực cho ba người tiếp tục hành trình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Anh Diêm Đăng Dũng không nhận mình là vận động viên đạp xe chuyên nghiệp, mặc dù thường ngày anh vẫn chăm chỉ luyện tập. "Tôi thích đạp xe, và mục đích đạp xe đường dài là để du ngoạn", anh bộc bạch.
Xe đạp gọn nhẹ, tốc độ không quá nhanh được anh coi là ưu điểm để đi du lịch. Nhất là khi đạp xe qua những cung đường đẹp, cảnh vật hiện ra như thước phim quay chậm, điều mà đi xe máy và ô tô khó cảm nhận được, anh Dũng nói thêm.
Anh cho biết chiếc xe đạp anh đi không quá đắt tiền, thiết kế vừa đủ để chạy đường dài. Xe chỉ chiếm 10% thành công, còn lại phụ thuộc vào sức khỏe và ý chí, nghị lực của bản thân mới có thể hoàn thành chuyến đi, đó là lời khuyên của anh cho những ai thích đạp xe thưởng ngoạn.
Sở thích đạp xe đi chơi của anh Dũng nay cũng được vợ ủng hộ và hai người con "thừa hưởng". Cuối tuần, cả gia đình thường đạp xe ra ngoại ô. Đối với gia đình anh, du lịch kiểu vận động này cũng là một cách tận hưởng kỳ nghỉ, vừa khỏe vừa vui.