Người gửi: Bui Thu,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Chia sẻ cùng bạn Đào Khánh Tùng và bạn Minh Nguyệt về bình đẳng giới
Thưa bạn Khánh Tùng và bạn Minh Nguyệt,
Tôi đồng ý rằng ăn nói nhỏ nhẹ có duyên là một nét hấp dẫn, không chỉ của phụ nữ, mà của cả nam giới nữa. Một người nói năng nhỏ nhẹ đúng mực, có duyên thì chắc chắn sẽ thuyết phục người nghe hơn. Và đúng như bạn Tùng nói, "một người đàn ông lịch lãm ăn nói nhẹ nhàng được yêu mến hơn là một người suốt ngày om xòm ngoài đường".
Tuy nhiên, điều cần làm rõ ở đây là: dư luận xã hội thường khắt khe với phụ nữ hơn, khiến cho nhiều khi bị ức hiếp, người phụ nữ cũng không dám to tiếng, không dám tự bảo vệ mình, vì sợ thiên hạ chê cười: "Đàn bà con gái mà ghê gớm thế".
Đấy là khi sự việc xảy ra ở ngoài đường. Còn ở trong gia đình, cái mà bạn Khánh Tùng gọi là "truyền thống văn hóa" dạy người phụ nữ Việt Nam rằng: "Chồng giận thì vợ bớt lời". Tôi chưa nghe ai nói "vợ giận thì chồng bớt lời" bao giờ! Chẳng lẽ chỉ có người chồng mới có cái quyền được giận người bạn đời của mình thôi sao? Chính vì quan niệm này mà khi vợ chồng có xích mích, cãi nhau, người đàn ông to tiếng với vợ thì được phần đông dư luận chấp nhận là "dạy vợ", người phụ nữ to tiếng với chồng thì được thiên hạ gán cho là "đồ đàn bà mất nết, cãi chồng".
Khi người đàn ông ngoại tình thì dư luận xã hội chê cười người vợ là "không biết giữ chồng", người phụ nữ ngoại tình sẽ được tặng mỹ từ "lăng loàn, lẳng lơ, mất nết". Ở đây, tôi không cổ suý nam giới hay phụ nữ ngoại tình. Tôi chỉ muốn làm rõ một điều là cùng một sự việc hiên tượng, nếu người phụ nữ làm thì là "vi phạm chuẩn mực đạo đức, nhân cách", còn khi người đàn ông vi phạm thì đó không phải lỗi của anh ta. Tương tự như vậy, người đàn ông sau khi ly dị vợ có nhiều khả năng tái hôn với người khác. Còn phụ nữ ly dị chồng thì khả năng này ít hơn nhiều lần, ngay cả khi chưa có con. Thiên hạ sẽ xì xào về người phụ nữ đó, rằng "con đó chắc phải thế nào thì chồng nó mới bỏ chứ".
Chuyện thờ cúng tổ tiên và thừa hưởng gia tài là điều còn nhiều tranh cãi. Với cá nhân tôi, thừa hưởng gia tài không phải là điều quan trọng. Tôi cũng tin rằng phần nhiều phụ nữ Việt Nam hiện đại hạnh phúc với tài sản do mình làm ra chứ không phải những thứ có được không phải bằng mồ hôi nước mắt của mình. Tuy nhiên, quan niệm con gái không được hưởng gia tài của bố mẹ dễ đẩy phụ nữ vào những hoàn cảnh đáng thương. Hãy thử tưởng tượng người phụ nữ "không biết giữ chồng" như đã nói ở trên, có người chồng ngoại tình và đòi ly dị vợ. Số năm chung sống chưa đủ nhiều để gọi tài sản trong nhà là tài sản chung của cả 2 vợ chồng. Dù họ có phần đóng góp cho khối tài sản đó thì nhiều khi cũng khó được hưởng phần đóng góp của mình vì giấy tờ nhà đất thường đứng tên người chồng. Trắng tay trở về với mẹ, và nếu không kết hôn nữa thì tập tục không thừa kế tài sản cho con gái sẽ biến người phụ nữ ấy thành người suốt đời ở nhờ nhà anh, em trai, hoặc thậm chí con trai của anh hoặc em trai mình. Ngoài khả năng đó ra, người phụ nữ đó có thể trở thành kẻ vô gia cư. Cũng vì tiên lượng những tương lai đó mà phần nhiều những người phụ nữ phụ thuộc vào chồng về kinh tế đành cố cắn răng mà chịu sự ngược đãi của chồng.
Những trường hợp như thế này không phải là nhiều. Nhưng rõ ràng là tập quán này tiềm ẩn nhiều nhiều sự bất lợi và lép vế cho phụ nữ.
Một vài ý kiến chia sẻ cùng bạn Khánh Tùng, bạn Minh Nguyệt và toàn thể bạn đọc VnExpress.