WebIRC (wechat) của Anonymous bị tấn công tối 18/11. Nghi vấn về kẻ chủ mưu được tập trung vào "5 thành viên từ Việt Nam". Ông Tuấn Anh, đại diện công ty an ninh mạng BKAV cho rằng, nếu thực sự những tài khoản thực hiện vụ tấn công bị phát hiện là người Việt, thì sự việc sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến an ninh mạng, bạn bè quốc tế sẽ có cái nhìn kém thiện cảm với giới hacker Việt nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Sự việc nói trên diễn ra chỉ ít ngày sau khi hàng loạt tài khoản giả mạo thành viên IS do người Việt lập ra để câu lượt "thích", "theo dõi" gây bất bình dư luận. Nhiều tài khoản tranh cãi bằng những lời khiếm nhã hoặc thậm chí là dùng cả công cụ phiên dịch những câu nói này ra các thứ tiếng khác như Ả Rập để trêu đùa.
"Trong khi cả thế giới tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Paris và ủng hộ động thái đáp trả IS từ Anonymous, một bộ phận người trẻ Việt, đáng buồn, lại làm điều ngược lại", một người dùng có tên Phuong Nguyen viết trên Facebook. "Họ liệu có biết suy nghĩ không?", tài khoản Anh Tai đặt câu hỏi đi kèm sự giận dữ. Nhiều độc giả cũng đưa ra ý kiến cần có chế tài xử phạt các thanh niên này bởi gây tổn hại đến hình ảnh người Việt Nam nói chung và có thể tạo ra mâu thuẫn với những người dùng mạng ở các quốc gia khác.
Không chỉ ở trong nước, những người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Bạn Duy Hiếu, một du học sinh tại Thụy Sỹ cho biết đã cảm thấy rất xấu hổ khi bạn bè cùng lớp nhờ phiên dịch một số bình luận khiếm nhã của người Việt trong các trang Facebook mạo danh IS. "Không chỉ tranh cãi vô bổ, họ còn chửi tục rồi rao bán cả sim rất phản cảm khiến tôi không biết giải thích như nào với bạn bè bên này", Hiếu chia sẻ.
Việc lập tài khoản Facebook giả mạo thành viên IS mà một số thanh niên Việt nghĩ là trò đùa, thực tế có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với các tội danh gây nhiễu thông tin, gây rối loạn trật tự công cộng. Trước đó, nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra như hai thanh niên "sáng tác" tin nữ sinh bị hiếp dâm, cặp vợ chồng tự "sáng tác" tin đồn Việt Nam có dịch Ebola hay người tung tin vỡ đập ở Huế lên Facebook đều bị cơ quan công an triệu tập và xử lý nghiêm.
Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay chưa có nhận thức đúng đắn về phát ngôn, tôn giáo, chính trị. Kết hợp cùng sự nông nổi, thích thể hiện mình và nghĩ mạng xã hội chỉ là ảo nên thỏa sức phát ngôn, hành động sai trái mà không cần biết đến hậu quả mình gây ra. Tuy đã có nhiều trường hợp bị xử phạt nhưng nhiều người không biết hoặc biết nhưng vẫn cố tình vi phạm gây phản cảm.
Hôm qua, nhân Ngày Việt Nam kết nối Internet (19/11/2015) và Ngày toàn cầu Vì Hòa bình và An ninh trên Internet (12/12/2015), Cổng TTĐT Chính phủ đã đăng bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kêu gọi công dân mạng hãy đấu tranh vì lẽ phải. Thủ tướng viết: "Tôi cho rằng Internet không chỉ là môi trường công nghệ, môi trường kinh doanh hay liên kết mà Internet còn là môi trường văn hóa, giáo dục rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách và góp phần định hình văn hóa nhân loại trong tương lai. Đây còn là một điều kiện quan trọng để tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm quyền dân chủ - tự do, quyền con người, quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền tiến bộ - tất cả quyền lực thuộc về nhân dân".
Thủ tướng kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung.
Trước đó, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, đã yêu cầu các đơn vị chức năng quản lý chặt các thuê bao di động; tập trung xác minh làm rõ, xử lý nghiêm kẻ lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố, bạo lực cực đoan.
Tuấn Hưng