Những trận chiến lớn hơn thường kết thúc bằng việc bố ra bưu điện gửi điện tín về quê cho bà ngoại, nội dung đại loại: "Mẹ lên đón con gái về dạy lại".
Vài ngày sau bà có mặt ở Hà Nội, lỉnh kỉnh nào trứng, nào gà, nào rươi... bà lắng nghe cơn giận dữ của bố, rủ rỉ với mẹ thâu đêm. Những cuộc rủ rỉ đó thường đầy nước mắt. Ám ảnh của tôi bấy giờ là tủi hổ của bà, khi được báo lên trung tâm thị trấn nhận điện tín của con rể, khi cả xã loan truyền tin, rằng con gái hư nên giờ bà phải lên Hà Nội dạy dỗ.
Qua câu chuyện giữa bà và mẹ, tôi luôn hình dung cảnh bà lầm lũi trên con đường làng, vành chiếc nón cũ dường như được kéo thấp hơn. Bà đi trong im lặng, lủi thủi chẳng dám nhìn, hỏi chuyện hay chia sẻ với ai. Tôi bấy giờ cũng chỉ tự quanh quẩn với những suy nghĩ của một đứa trẻ sắp lên 10, và cũng bởi "thấm nhuần" tư tưởng của bà. Chuyện xấu, hay ho gì mà nói ra.
Những năm đầu cấp II, tôi có cô bạn thân tên Hà Linh. Mẹ Linh làm cùng mẹ tôi, hai nhà hay giao lưu, đến nhà nhau ăn uống hoặc cùng đi xem kịch, trẻ con vì thế cũng quấn quýt. Mấy năm sau, bố mẹ Linh bỏ nhau, hai nhà không giao lưu nữa. Thi thoảng Linh kể với tôi nỗi buồn bị bỏ rơi, khi bố ở xa, mẹ mải chăm em và gia đình mới... Khi đó, lại tới lượt mẹ nhắc tôi hạn chế chơi với Linh vì gần đây bạn hay nổi loạn, có nhiều biểu hiện hư.
Do điều kiện hai nhà ít giao lưu hay do mẹ cấm đoán, tôi không nhớ chắc chắn, nhưng chúng tôi dần xa nhau. Tôi lại tự quanh quẩn với hình ảnh cô đơn của Linh, trong một góc phòng tập thể nho nhỏ, một mình với những câu hỏi vì sao. Vì sao cuộc sống đang đẹp thế lại biến mất, vì sao mẹ không còn quan tâm đến Linh như trước, vì sao mỗi lần trốn đến khóc với bố, Linh bị mẹ mắng là hư thân mất nết... Và có lẽ Linh cũng không biết chia sẻ với ai, vì chuyện "chẳng có gì tốt đẹp".
Chưa kể không biết có bao nhiêu người như mẹ tôi, hạn chế con giao tiếp với người bạn có hoàn cảnh đặc biệt vì nỗi sợ mơ hồ con mình bị "ảnh hưởng xấu".
Gần đây xã hội ồn ào, đa phần chê trách và lên án, một vài cặp vợ chồng nổi tiếng cơm không lành canh không ngọt, một người đã làm cha, làm ông nhưng đang bị điều tra tội ấu dâm, một người đàn ông khác say rượu lái xe gây nạn cho hai phụ nữ. Tôi đặt mình vào vị trí vợ, con, cháu trong những gia đình ấy, chắc họ cũng ngơ ngác với những điều xảy ra ở đâu đó bên ngoài mái nhà nhưng lại khiến tổ ấm của mình chao đảo.
Có thể cũng chẳng biết giãi bày cùng ai, rồi họ lại lầm lũi đi giữa con đường dư luận, văng vẳng bên tai những lời nhiếc mắng, chửi rủa, gào thét cả trên mạng lẫn ngoài đời. Tôi tự hỏi họ sẽ làm gì ở trường, với lối xóm, sẽ nói gì hay có còn tự tin đến những nơi vẫn đến, gặp những người vẫn gặp?
Ngày xưa, mỗi lần gia đình căng thẳng, bố tôi ngồi đốt thuốc cả đêm. Tôi lo âu điếu thuốc lập lòe kia sẽ cháy rụi cả cuộc đời mình. May thay, tôi đã lớn lên, tương đổi ổn, dù lâu lâu vẫn nhớ về những ký ức u buồn cũ. Và bất giác gần đây, những cảm giác bất an ấy lại dội về. Tôi thấm thía hơn những tổn thương bà ngoại phải chịu, nhớ cả Hà Linh và chính tôi bé nhỏ vùng vẫy trong một mớ câu hỏi vì sao.
Và tôi thương cả những người chưa từng gặp mặt, những người vợ, người con gái, con trai, cháu nội, cháu ngoại của một ai đã gây chuyện, đang bị xã hội lên án. Họ có lẽ chưa từng nghĩ một ngày mình trở thành nạn nhân gián tiếp và vô tội. Và cuộc đời họ tự dưng phải khác đi rất nhiều.
Có cách nào ngăn lại những cơn sóng kia không?
Nguyễn Xuân Tú