Trong khuôn khổ hội thảo của chương trình Startup Việt 2020 do báo điện tử VnExpress sáng ngày 25/11, đại diện Gojek phân tích đề tài "Biến dữ liệu thành sức mạnh tài chính" với nhiều thông tin và dẫn chứng cụ thể chứng minh tầm quan trọng của dữ liệu.
Dữ liệu dẫn dắt quyết định kinh doanh
Mở đầu phần trình bày, ông Phùng Tuấn Đức - Tổng giám đốc Gojek Việt Nam khẳng định Big Data là bí quyết thành công của các "ông lớn" trên thế giới như Amazon, Google, Facebook... Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm người dùng mới, các hãng này dùng dữ liệu để hiểu thói quen người dùng, để đưa ra cách tiếp thị phù hợp, tạo trải nghiệm tương ứng.

Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam cho rằng data dẫn dắt các chiến lược kinh doanh tại Gojek. Ảnh: Startup Việt 2020.
Gojek cũng sở hữu một lượng dữ liệu khổng lồ với hai triệu tài khoản tài xế, khoảng 900.000 đối tác nhà hàng. Mỗi ngày, hãng gọi xe này có hàng triệu giao dịch, hàng trăm giao dịch mỗi giây.
"Chúng tôi sử dụng nguồn dữ liệu khổng lồ này để tạo lợi thế cạnh tranh, theo các bước từ quảng cáo, hiểu hành vi mua sắm của người dùng đến việc tạo ra các giá trị mới", Tổng giám đốc Gojek Việt Nam nói.
Từ 5 năm trở lại đây, hãng gọi xe này đưa ra các chiến lược dựa vào phân tích dữ liệu, thay cho tư duy chủ quan của lãnh đạo. Theo ông Phùng Tuấn Đức, chiến lược "Dữ liệu hoặc không gì cả - It’s data or nothing" đã dẫn dắt các cấp quản lý đưa ra các quyết định chính xác, đảm bảo sự thấu hiểu khách hàng.
Thị trường trong bùng nổ dữ liệu
Tổng giám đốc Gojek Việt Nam đánh giá trong thời kỳ bùng nổ dữ liệu, thị trường có các đặc điểm chính như nhu cầu kỹ thuật số mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng thần tốc, và khách hàng tìm kiếm các trải nghiệm thời gian thực. Trong thời điểm này, khách hàng ngày càng có nhiều kiến thức, nhiều công cụ và khá nhạy với những xu hướng mới nên các sản phẩm phải tạo ra trải nghiệm tức thời.
Dẫn chứng về cách khai thác hiệu quả dữ liệu doanh nghiệp, ông Tuấn Đức phân tích về Galeries Lafayette - một trung tâm thương mại hàng đầu tại Pháp - đã sử dụng dữ liệu để vượt qua khủng hoảng Covid-19. Theo đó, trung tâm thương mại này xử lý dữ liệu khách hàng và sử dụng công nghệ Go Instore để kết nối với 36 thương hiệu cao cấp. Điểm mấu chốt là công nghệ này giới thiệu cho người tiêu dùng sản phẩm đúng sở thích, thúc đẩy doanh số mùa dịch.
Một đặc điểm khác trong thời điểm bùng nổ data là dữ liệu xuất hiện ở mọi nơi, nhưng năng lực biến dữ liệu thành thông tin hữu ích mới là điều quan trọng. Ông Tuấn Đức lấy ví dụ mình thích mua sắm trên Amazon vì đánh giá cao khả năng cá nhân hóa của hãng này. Khoảng 35% doanh số bán hàng của Amazon đến từ các đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua hàng và sử dụng website của người dùng. Amazon còn tiến thêm một bước nữa, tích hợp trợ lý kỹ thuật số trong các danh mục sản phẩm để làm cho trải nghiệm khám phá sản phẩm phù hợp hơn với từng người tiêu dùng. Ông Tuấn Đức cho rằng Amazon còn "hiểu khách hàng hơn chính khách hàng" và biết cách phân tích lý do khách hàng chọn mua những mặt hàng nhất định.
"Như vậy, dữ liệu chính là nguồn dầu mỏ mới cho doanh nghiệp", ông Đức Tuấn khẳng định.
Cách biến dầu mỏ mới thành năng lượng
Giữa nguồn dữ liệu khổng lồ doanh nghiệp rất dễ lạc lối. Để không lạc lối và hiệu quả trong việc biến dầu mỏ thành năng lượng, Gojek bắt đầu từ bài toán nhu cầu khách hàng và tìm dữ liệu để trả lời cho bài toán nhu cầu đó.
"Dữ liệu là môn thể thao đồng đội", ông Tuấn Đức nói.
Gojek đã 'cài' các chuyên gia dữ liệu vào các phòng ban để hỗ trợ các bộ phận phân tích dữ liệu và thấu hiểu hành vi khách hàng. Và quan trọng là, các doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá sử dụng và ứng xử với dữ liệu. "Đừng để dữ liệu trở thành mặt hàng xa xỉ của thiểu số." , ông Tuấn Đức kết luận.

Tổng giám đốc Gojek chia sẻ cách biến dầu mỏ mới thành năng lượng. Ảnh: Startup Việt 2020.
Để tập trung vào tính hiệu quả, các phòng ban ở Gojek hoạt động theo nguyên tắc "đồng thời" thay vì "song song". Ông Tuấn Đức lý giải rằng "song song" là khi tập thể cùng tìm cách giải quyết vấn đề, thường là riêng rẽ theo chiều dọc, không có sự gắn kết, dẫn đến việc "giẫm lên chân nhau", tạo ra sự kém hiệu quả và lãng phí. "Đồng thời" là khi các nhóm phân chia xử lý những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Để làm việc này, Gojek cần có hệ thống để chia sẻ trạng thái và tiến độ của công việc của tất cả các phòng ban theo thời gian thực, giảm thiểu thời gian đi tìm kiếm data thiết yếu hoặc thời gian để tìm kiếm một người để cập nhật tiến độ.
Gojek tăng cường các công cụ hỗ trợ để nhân viên có thể khai thác nguồn dữ liệu trên nguyên tắc giao tiếp chung trên nền tảng dữ liệu, tức mọi công việc của các bộ phận đều dựa trên dữ liệu, các bộ phận đều có thể truy cập nền tảng dữ liệu chung mà không có rào cản. Tiếp theo, Gojek trang bị cho các nhóm một nền tảng học máy chung và liên tục tối ưu hóa vòng lặp thấu hiểu khách hàng rồi hành động.
"Nắm bắt được dữ liệu chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp chèo lái hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hay nói một cách khác, tại Gojek, hiểu dữ liệu giúp chúng tôi hỗ trợ các tài xế giữ vững tay lái, đưa một ứng dụng gọi xe ngày càng thân thiện và hữu dụng với người dùng Việt", ông Phùng Tuấn Đức nhấn mạnh.
Thanh Thảo
Hội thảo chuyên sâu với chủ đề "Big Data - Từ dữ liệu đến doanh thu" diễn ra vào lúc 9h sáng 25/11 tại Gala Royale, 63 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP HCM. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Startup Việt 2020 do Báo VnExpress tổ chức. Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Marketing của Tiki tham gia sự kiện chia sẻ và phân tích những thách thức trong khai thác data, biến thành lợi thế cho doanh nghiệp. Đồng thời các chuyên gia sẽ nêu lời giải cho vấn đề startup quan tâm hiện nay - cách đầu tư hợp lý cho nguồn dữ liệu. Từ những phân tích chuyên sâu, startup sẽ có thêm thông tin về cách phân phối nguồn lực tài chính và con người để tạo tệp khách hàng, phân tích dữ liệu khách hàng hàng ngày và sử dụng data đó tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.