Tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ AI và Blockchain trong kết nối thị trường và thanh toán trực tuyến" tổ chức chiều 6/6 tại TP HCM, các chuyên gia cho biết, dữ liệu đóng vai trò quyết định thành, bại khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các ngành, tuy nhiên hiện dữ liệu người dùng đang là vấn đề lớn cần quan tâm ở Việt Nam.
"Chúng ta đang bị chảy máu dữ liệu, người Việt đang không sở hữu được dữ liệu của mình", Lê Công Thành, chuyên gia AI, CEO Công ty Inforetech nói và cho rằng dữ liệu đang được "nộp không" cho các công ty nước ngoài, đến khi các doanh nghiệp Việt muốn dùng những dữ liệu đó thì phải trả phí. Đây là điều bất hợp lý.
Thực tế người dùng sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu như Facebook, Google hay các ứng dụng đang cài đặt trên điện thoại thông minh hiện nay phần lớn của các công ty nước ngoài. Các dữ liệu của người Việt do các công ty nước ngoài lưu trữ toàn bộ và không có công ty nào của Việt Nam tham gia. Trong khi đó, toàn bộ hoạt động của người dùng Việt trên mạng xã hội, các thông tin dữ liệu là nguồn tài nguyên quý để phát triển các ứng dụng AI. Lý do là các công nghệ hiện đại chỉ có thể áp dụng khi có những các công thức, thuật toán sinh ra từ dữ liệu. Không có dữ liệu trong tay không thể phát triển các thuật toán tốt để phục vụ xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, những công nghệ của cuộc cách mạng lần thứ tư mang lại tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Blockchain trong việc nâng cao hiệu quả đối với kết nối thị trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngành tài chính, ngân hàng là rất lớn do những công nghệ này đều hoạt động trên nguyên tắc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, có khả năng giải quyết những vấn đề của các ngành cụ thể. Vì vậy, trí tuệ nhân tạo và Blockchain được dự báo sẽ trở thành những công nghệ đầu ngành trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thể trở thành trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới, điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển. Thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong nước như FPT, Vingroup, VNPT... đã có những bước khởi đầu trong việc tiến hành nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, blockchain và đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để thực sự tận dụng được tiềm năng của các công nghệ mới này, tạo đà cho nền kinh tế số tăng trưởng, Việt Nam cần rất nhiều dữ liệu, năng lực kết nối, sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp... ngay từ lúc này.
Hội thảo "Ứng dụng công nghệ AI và Blockchain trong kết nối thị trường và thanh toán trực tuyến" do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và Truyền thông (VIETNAM ICTCOMM và Triển lãm Quốc tế Phim và công nghệ phát thanh, truyền hình – TELEFILM 2019). Triển lãm diễn ra từ ngày 6 - 8/6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh - Quận 7 - TP HCM.