Vợ chồng Johnstons (bang Utah, Mỹ) bắt đầu tiết kiệm và lên kế hoạch chu du khắp thế giới sau khi kết hôn năm 2012. Britnee tính toán họ cần khoảng 40.000 USD cho một năm ở nước ngoài. Thêm 10.000 USD cho các chi phí phụ và cả khoản vốn khởi nghiệp khi họ đi du lịch về.
Sau hơn 22 tháng, họ tiết kiệm và có đủ ngân sách cho kế hoạch vòng quanh thế giới của mình. Khi đó, Britnee là giám đốc truyền thông cho một tổ chức phi lợi nhuận và Mark là biên tập ảnh cho một tạp chí. Họ nghỉ việc và bắt đầu hành trình để đời như dự định.
Đôi vợ chồng bắt đầu từ Nhật Bản tháng 5/2004 . Sau đó, họ đi qua tổng cộng 26 quốc gia và 78 thành phố, kết thúc ở Peru tháng 5 vừa qua với chi phí trung bình khoảng 55 USD mỗi ngày.
Họ tốn thêm khoảng 8.000 USD so với dự chi. “Chúng tôi có thể chỉ tiêu hết 40.000 USD nhưng quyết định giữ nguyên vài điểm đến trong hành trình và chỉ cố đi thêm vì biết mình vẫn còn tiền để chi trả”, Britnee nói.
Dưới đây là một số bí quyết tiết kiệm tiền hữu ích mà nhà Johnstons chia sẻ.
Trước khi đi
Giải quyết hết các khoản nợ đang có
Những thứ như thẻ tín dụng và các khoản nợ mang lãi suất cao nếu để lâu sẽ tốn thêm nhiều tiền chi trả cho chúng. Mark và Britnee đều tốt nghiệp đại học mà không có khoản nợ sinh viên nào. Britnee có học bổng và trợ cấp. Sau khi công tác tại Marine Corps, Mark nhận được sự trợ giúp từ Dự luật DI. Sau khi kết hôn, họ mua xe, tốn thêm 500 USD mỗi tháng.
Đặt mục tiêu và kế hoạch cụ thể
“Tôi nghĩ có một con số cụ thể và thời gian chi tiết sẽ rất hữu ích. Nếu bạn không làm thế, việc này sẽ mãi chỉ là một giấc mơ”, Britnee chia sẻ.
Để ra một số tiền từ mọi khoản bạn nhận được
Trong suốt thời gian tiết kiệm, Mark và Britnee có tổng số lương là 80.000 USD một năm, cộng thêm 5.000 USD từ các công việc tự do khác. Mỗi lần đến kỳ nhận lượng, họ ngay lập tức dành một nửa phần tiền vào khoản tiết kiệm. Họ đặt rõ mục tiêu mỗi người tiết kiệm 1.000 USD một tháng và trong 2 năm là có 40.000 USD cho chuyến đi.
Học cách yêu mọi thứ giá rẻ
Nhà Johnstons là đôi thích các hoạt động hướng ngoại. “Các hoạt động ngoài trời miễn phí cho mọi người, bởi vậy chúng tôi lấy đó là nguồn giải trí chính”, Mark nói.
Sắp xếp hợp lý việc mua đồ ăn
Họ mua sắm ở hàng tạp hóa 2 tuần một lần với danh sách những đồ giá thành phải chăng và trung thành với nó, tránh bị cuốn hút bới những thứ đắt tiền khác. Britnee còn ghi lại các công thức nấu ăn để biến tấu với số đồ họ đã mua.
Tiết kiệm đồ ăn thừa cho các bữa phụ
Họ tự nấu ăn và luôn để lại phần thức ăn còn thừa cho bữa trưa hôm sau. Họ hạn chế đi ra ngoài nhưng vẫn duy trì đều đặn việc tập thể dục.
Trong hành trình
Kiếm tra giá vé máy bay thường xuyên nhất có thể
Britnee nói cô luôn cập nhật thông tin trên trang Skyscanner để tìm vé máy bay giá rẻ. Lần đầu khi Britnee kiểm tra giá vé cho chặng từ New Zealand tới Patagonia, Chile là 2.000 USD. Vài tháng sau, khi cô kiểm tra để cập nhật giá liên tục đã tìm được vé giá chỉ 900 USD và ngay lập tức mua. Lưu ý nên xóa lịch sử truy cập trang web. Nhiều chuyên gia cho rằng bạn có thể tìm được giá vé rẻ hơn nếu trang web xác định bạn truy cập lần đầu tiên.
Sử dụng các phương tiện công cộng
Nhà Johnstons đi phương tiện công cộng từ sân bay đến khách sạn và các điểm tham quan. Nếu khoảng cách gần, họ đi bộ. Lần duy nhất gọi taxi là ở Scotland. “Nếu định đón taxi, hãy đi ở Đông Nam Á với cước phí rẻ”, Britnee chia sẻ.
Lựa chọn chỗ ở
Ban đầu, đôi vợ chồng nghỉ tại một số khách sạn ở Tokyo nhưng sau đó tới nhà nghỉ (giá dưới 30 USD/đêm). Nhưng để rẻ hơn họ tới các phòng nghỉ tập thể. Những nơi này không có không gian riêng và bất tiện nhưng giúp họ tiết kiệm được chi phí để kéo dài chuyến đi.
Nếu chỗ ở có bếp riêng, tự nấu ăn
Có thể tự nấu ăn là một ưu điểm ở các nhà nghỉ hay nhà trọ. Mark và Britnee luôn hỏi han người dân địa phương những địa điểm mua đồ ăn truyền thống, rẻ nhất để vừa tiết kiệm, vừa được trải nghiệm văn hóa bình dân.
Yêu cầu được giảm giá
Hầu hết việc đặt phòng đều được thực hiện online nhưng Mark và Britnee đã thay đổi mọi thứ khi ở lại bãi biển Patong, Thái Lan một tháng. Họ đi bộ hỏi giá một loạt khách sạn để tìm nơi nào có mức giá ưu đãi hơn.
Hỏi kinh nghiệm của các du khách khác
Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều khoản nếu chịu khó hỏi han kinh nghiệm của những người đi trước.
Cân bằng chuyến đi giữa các nước đắt đỏ và rẻ
Trước khi dành 2 tháng ở châu Âu, vợ chồng nhà Johnstons tiết kiệm chi phí bằng 2 tháng ở Nepal. Các nước Đông Nam Á là một trong những điểm đến “dễ thở” nhất với chi phí rẻ. Đất nước đắt đỏ nhất họ đi qua là Na Uy, nơi một chiếc bánh sandwichs cá có giá 18 USD.
Chú ý đến tài khoản
Việc này là cần thiết để phản hồi ngay những khoản phí không đúng. Như khi Britnee phát hiện họ bị tính phí cho lốp chiếc xe thuê bị xịt. Họ đến gặp chủ thuê, phản đối khoản phí với lý do hợp lý và được hoàn lại tiền.
Xem thêm: Đôi tình nhân bỏ việc, đi du lịch và dọn vệ sinh kiếm sống
Như Bình (theo Yahoo Travel)