Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 20/12/2019, 02:08 (GMT+7)

Trưng bày 56 tác phẩm nghệ thuật về quân đội Việt Nam

Hà NộiBảo tàng Mỹ thuật giới thiệu loạt tác phẩm của các họa sĩ như Nguyễn Văn Tỵ, Lê Anh Vân, Quang Thọ… nhân kỷ niệm ngày 22/12.

Ngày 19/12, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng 56 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc chủ đề người lính qua triển lãm “Từ nhân dân mà ra”. Đây là sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019).
Trong ảnh là bức tranh “Bảo quản tàu” do Đại tá, họa sĩ Bằng Lâm sáng tác năm 1985, tả cảnh chiến sĩ hải quân vệ sinh sàn tàu, khí tài trong buổi sáng. Tác giả chia sẻ, ông đã phác thảo bức vẽ trong 4 năm (1972-1975). Đến khi có cuộc thi về lực lượng vũ trang năm 1985, ông hoàn thành bức tranh với chất liệu sơn dầu, đạt huy chương đồng giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc rồi được bảo tàng mua lại về trưng bày. “Tôi hết sức xúc động vì đã hơn 30 năm trôi qua tôi mới có dịp xem lại tác phẩm này. Tôi thấy như mình vừa gặp lại đứa con đi xa vậy”.

Tác phẩm “Ra đảo”, chất liệu sơn mài, kích thước 120x180 cm của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ hoàn thành năm 1970. Tác giả bức tranh là người thầy của nhiều thế hệ họa sĩ, đồng thời là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh sơn mài của ông được đánh giá là lột tả thành công sự lộng lẫy của chất liệu này.

Một góc tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ thể hiện làn nước biển. Trong bức tranh, ông sử dụng sơn, vỏ trai, vỏ trứng... các chất liệu đặc trưng của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Sự tỉ mỉ của họa sĩ thể hiện qua việc ông lựa chọn các mảnh khảm trai kích thước chỉ khoảng một cm, mang sắc xanh chủ đạo để biểu hiện các cơn sóng.

"Từ nhân dân mà ra", tranh sơn mài của họa sĩ Quang Thọ ra đời năm 1980 được lấy làm chủ đề cho triển lãm. Tác phẩm được các chuyên gia đánh giá có "lối tạo hình chắc khỏe, khúc triết mang ý nghĩa bao quát rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết nhiều thế hệ, nhiều lực lượng quân đội nhân dân". 

Tác phẩm điêu khắc thạch cao của nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim. Ngoài sơn dầu, sơn mài, triển lãm trưng bày nhiều chất liệu được các nghệ sĩ sử dụng trong giai đoạn kháng chiến như màu nước, lụa, gỗ, đất... 

Bức tranh "Bộ đội biên phòng" của họa sĩ Phan Kế An vẽ năm 1980 trên chất liệu lụa. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những nghệ sĩ có mặt trên khắp các mặt trận để khắc họa đời sống thời chiến tranh, tạo nên một giai đoạn nghệ thuật của Việt Nam. "Triển lãm là dịp để công chúng hiểu thêm về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam", ông nói.

Tác phẩm sơn mài mang tên "Vượt sông" của hoạ sĩ Lê Trí Dũng. Cuộc triển lãm lấy ý tưởng từ câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời: "Quân đội ta, con đẻ của Nhân dân, là một quân đội anh hùng. Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, quân đội ta đã làm tròn và quyết sẽ làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà Nhân dân và Đảng giao phó”.

Tác phẩm "Ký ức những ngọn đèn" của PGS. Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác giả chia sẻ, ông nhận ra sức mạnh giúp người lính vượt qua hai cuộc kháng chiến là hậu phương. Bức tranh mô tả cảnh đoàn quân đi giữa, hai bên là hình tượng bà má miền Nam, cô gái Ngã ba Đồng Lộc và những em nhỏ thể hiện khát vọng chiến thắng, xây dựng tương lai đất nước. Bối cảnh bức tranh là đêm trăng chiếu sáng xuống dòng sông, điều được tác giả cho là "cái lãng mạn trong thời chiến" và "cả vũ trụ dõi theo". Đối lập với bầu trời là nền đất chi chít hố bom và những chiếc cờ báo hiệu mà cô gái cầm trên tay.

Hoạ sĩ Giang Khích bên cạnh bức chân dung tự họa bằng sơn dầu với nhan đề "Tuổi hai mươi". Tác giả cho hay, ông tự vẽ chân dung bản thân nhưng muốn lột tả hình ảnh chung về những người lính biên phòng dành tuổi trẻ của họ để bảo vệ chủ quyền. Họa sĩ cho biết thêm, chất liệu sơn dầu và cách vẽ được ông sử dụng trong tác phẩm có ý muốn lột tả nét sương gió của cuộc sống người lính nơi biên cương.

Nathan Felde, Giáo sư ngành Thiết kế tại đại học Northeastern, Mỹ, khách tham quan triển lãm nhận xét, các nghệ sĩ Việt Nam có rất nhiều ý tưởng, họ cũng sử dụng chất liệu khá tương đồng với Mỹ như sơn dầu, màu nước, bột màu. "Phần lớn người Mỹ chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam qua những bức ảnh thay vì các loại hình nghệ thuật. Triển lãm giúp tôi có góc nhìn khác về cuộc chiến", Felde nói.

Không gian triển lãm tại phòng trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết 27/12 và miễn phí vé tham quan. Nếu du khách muốn tham quan thêm phòng trưng bày thường xuyên của bảo tàng sẽ phải mua vé như bình thường với giá 40.000 đồng một người lớn, 20.000 đồng với học sinh, sinh viên.

Kiều Dương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net