UBND TP HCM vừa kiến nghị Trung ương cho phép thí điểm lập lực lượng Cảnh sát du lịch để xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách. Nguyên nhân là dù các doanh nghiệp du lịch TP HCM đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, hiện nay việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên địa bàn chưa thực sự tốt. Tình trạng chèo kéo, đeo bám khách vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng đến tâm lý khách và hình ảnh điểm đến thành phố.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM Lã Quốc Khánh, ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến TP HCM nhưng an ninh cho du khách là điều đáng quan ngại nhất. Riêng trong năm 2015, Sở Du lịch thành phố nhận được công hàm từ đại diện các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố, phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản...
Trong số này, Nhật Bản có 83 trường hợp, Australia 73 trường hợp, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM phản ánh 80 trường hợp và Hàn Quốc có 10 trường hợp. "Bằng văn bản, họ bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số lượng công dân nước ngoài bị xâm hại an ninh, bị cướp giật tài sản trong các quận huyện ở thành phố và sự thiếu hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ của lực lượng chức năng khi du khách phản ánh thông tin", ông Khánh nói.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, ông Khánh cho biết thêm cách đây gần 7 năm thành phố có tổ chức một lực lượng hỗ trợ du khách (hỗ trợ chứ không phải bảo vệ) do lực lượng Thanh niên Xung phong đảm nhiệm. Đến nay lực lượng này có gần 250 đội viên nhưng đội hỗ trợ du khách này yếu ngôn ngữ, nghiệp vụ du lịch nên khi "đụng chuyện" đứng ra đuổi bắt cướp giật để bảo vệ du khách thì bị tội phạm phản ứng mà chế độ đãi ngộ lực lượng này cũng chưa tương xứng.
Theo ông Khánh, những nước gần Việt Nam như Thái Lan và Lào đã thành lập cảnh sát du lịch với đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ, trang thiết bị, đào tạo kỹ năng du lịch… trong khi TP HCM là điểm hấp dẫn với du khách nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được cảnh sát du lịch.
"Sở Du lịch không thể quản lý lực lượng bảo vệ du khách được, cơ quan quản lý ngành du lịch không thể đứng ra bảo vệ du khách về an ninh, trật tự, xâm phạm tài sản... Với kinh nghiệm gần 30 năm làm du lịch, cá nhân tôi cho rằng cơ quan quản lý du lịch nếu được giao nhiệm vụ này thì không thể đạt hiệu quả được", ông Khánh nói.
Trong khi đó, Phó giám đốc Công an thành phố - Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định không bao giờ lực lượng công an đi bảo vệ khách hàng cho một ngành hàng nào, kể cả ngành có nguy cơ cao như an ninh hàng không, mà an ninh ngành nào thì phải do ngành đó tự tổ chức.
Ông Minh dẫn lại chỉ đạo trước đây của lãnh đạo thành phố rằng ngành du lịch sẽ tổ chức riêng một lực lượng bảo vệ du khách; Công an thành phố chỉ chịu trách nhiệm huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng này để phản ứng nhanh bảo vệ du khách khi bị xâm hại.
Theo ông Minh, trong khi chờ Trung ương cho phép thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, công an thành phố sẽ đưa ra quy định xử lý các doanh nghiệp dịch vụ du lịch không đảm bảo an toàn cho du khách, bởi trách nhiệm bảo vệ tài sản du khách ngay trong phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp thì thuộc về doanh nghiệp du lịch.
"Nơi nào để tài sản du khách bị xâm hại thì ngành du lịch có thể thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú, công an thành phố sẽ hạn chế quyền bảo lãnh đối với các doanh nghiệp bảo lãnh xin visa cho khách mà để cho du khách bị thiệt hại không trình báo, không hướng dẫn để du khách cảnh giác, phòng ngừa", ông Minh nói và cho rằng thậm chí doanh nghiệp nào bảo lãnh du khách mà để du khách vi phạm ở ngoài thì công an thành phố sẽ cắt quyền xin thị thực của các doanh nghiệp đó.
Tại cuộc họp hôm 1/3, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị Sở Du lịch nghiên cứu đề xuất thành lập lực lượng hỗ trợ, bảo vệ du khách trên cơ sở lực lượng trật tự viên du lịch hiện có. Còn việc huấn luyện nghiệp vụ thì giao cho Công an. "Làm sao xây dựng được môi trường du lịch thân thiện, người ta không phàn nàn nữa, tạo thiện cảm với khách du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách đến thành phố", ông Phong nói.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến TP HCM đạt con số hơn 4 triệu lượt, chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện toàn thành phố có 949 doanh nghiệp lữ hành, hơn 2.000 cơ sở lưu trú phục vụ du khách. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, ngành du lịch thành phố vẫn còn tồn tại một số bất cập về an ninh trật tự du lịch như tình trạng cướp giật, chèo kéo, đeo bám du khách, thu quá cước taxi, nâng giá sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa; còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin sản phẩm dịch vụ du lịch và hỗ trợ khách du lịch khi đến tham quan TP HCM. |
Xem thêm: Gậy selfie - công cụ chống cướp dành cho du khách
Hữu Nguyên