Thứ tư, 22/1/2025
Thứ bảy, 26/5/2018, 13:06 (GMT+7)

Tối cuối tuần xem 'Tinh hoa Bắc Bộ' ở ngoại thành Hà Nội

Sân khấu vở diễn thực cảnh ở chùa Thầy đang trở thành điểm đến mới trong phạm vi quanh ngoại ô Hà Nội dành cho các du khách.

Nằm ở chùa Thầy, dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), Tinh hoa Bắc Bộ (The Quintessence of Tonkin) là một vở diễn thực cảnh trên mặt hồ nước rộng 4.300 mét vuông.

Từ cốt truyện về Thiền sư Từ Đạo Hạnh (còn được gọi là Thánh Láng, một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng Việt Nam), vở diễn của đạo diễn Hoàng Nhật Nam đưa du khách du hành vào đời sống của nông dân Bắc Bộ qua những màn biểu diễn âm thanh, ánh sáng cùng hơn 200 diễn viên. Phần lớn diễn viên tham gia thực cảnh là những nông dân của huyện Quốc Oai.

Vở diễn được chia làm sáu phần: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và Ngày hội. Mỗi phần lại thể hiện cho văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của người Việt trong lao động, học vấn, tri thức, hội làng cùng các lĩnh vực nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc.

Yếu tố thời tiết Bắc Bộ cùng những cơn mưa, tiếng ve kêu mùa hè hay chiếc áo mưa được đan từ rơm cũng được đưa vào vở diễn.

Trên hồ, từng bối cảnh lần lượt hiện ra với âm thanh côn trùng, tiếng hò, tiếng khua mái chèo trên mặt nước. Người dân quăng lưới bắt cá, những cô thôn nữ mặc áo yếm tát nước đầu đình, trai gái đối đáp, gõ mạn thuyền, trẻ con thi nhau vè, sĩ tử bưng lều chõng đi thi tú tài và được lên kinh đô diện kiến nhà vua…

Một trong những phân đoạn gây ấn tượng nhất cho các du khách là lúc Thiền tư Từ Đạo Hạnh xuất hiện, những bông sen vàng nở rộ lấp lánh dưới nước. Câu chuyện về nghệ thuật múa rối nước bắt đầu với một cuộc chơi ánh sáng ngoạn mục trên mặt nước.

Vở diễn kết nối các du khách quốc tế với câu chuyện văn hóa Việt Nam qua phần lời kể, những câu chuyện lịch sử, văn hóa có phụ đề tiếng Anh. Du khách Việt cũng tìm thấy những câu chuyện cổ xưa về đất nước, cùng những tập tục văn hóa mà ở cuộc sống hiện đại khó có thể tìm thấy.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ rằng để những người nông dân Sài Sơn hiền hậu, chất phác có thể biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu, anh đã có những buổi trò chuyện, tâm tư với bà con.

Vì vậy, dưới ánh đèn sân khấu lớn, với trang phục, đạo cụ... họ đã trở thành diễn viên thực thụ, kể lại chính mình trong cuộc sống thường nhật xưa và nay. Các diễn viên di chuyển trên mặt hồ thành thục với hệ thống đường đi ngầm.

Các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, ô ăn quan cũng sẽ hoạt động từ buổi chiều, khoảng vài tiếng trước khi vở diễn bắt đầu vào buổi tối.

Ngoài vở diễn, du khách còn có thể trải nghiệm trực tiếp vào văn hóa truyền thống Bắc Bộ ở phía bên ngoài sân khấu. Ngay từ ngoài cổng vào là những bụi chuối, mái tranh, quán xá bán bánh giò, bánh tẻ, bánh nếp, xôi gói lá sen lá chuối, kẹo lạc, kẹo dồi. Khách du lịch có thể mua và ngồi ăn giữa những chiếc ghế nhỏ giữa vườn trong tiếng nhạc quan họ.

Nếu đặt vé trước 48 tiếng, du khách sẽ được đi xe bus miễn phí cả chiều đi lẫn về. Chùa Thầy cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, di chuyển bằng ôtô sẽ mất khoảng 45 phút.

Giá vé dao động từ 600.000 đồng đến hơn một triệu đồng (tùy chỗ ngồi và có kèm ăn tối hay không). Mỗi tuần có hai buổi diễn cố định vào thứ tư và thứ bảy. Các buổi diễn khác được linh động tùy thuộc theo nhu cầu của du khách.

Một điểm cần lưu ý trước khi đặt vé đi xem là du khách cần theo dõi dự báo thời tiết để tránh ngày mưa, do sân khấu thực cảnh và cả khán đài đều ở ngoài trời. Trời mưa, vở diễn sẽ vẫn diễn ra và áo mưa được phát miễn phí cho khán giả. Nhưng các hoạt động khác và di chuyển sẽ trở nên khó khăn hơn.

Nguyên Minh
Ảnh: Tuấn Đào

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net