Ông Tô Hán Vân, người gốc Triều Châu, chủ tiệm hủ tiếu sa tế Tô Ký cho biết, từ khi còn nhỏ, ông đã phụ cha bưng tô, chạy bàn và học cách làm món ăn đặc biệt này. Thân sinh cũng là người đầu tiên chế ra công thức làm ra món ăn và mở quán từ hơn 60 năm trước.
Hiện tại, do tuổi cao, ông Vân không còn đứng bếp mà do vợ chồng chị Dung - con của ông quản lí. Toàn bộ công thức làm ra món hủ tiếu sa tế nai chị Dung đã "thuộc nằm lòng".
Thực khách lần đầu đến quán sẽ tò mò với món ăn được ghi trên tấm bảng: hủ tiếu sa tế nai. Chị Dung kể, để cho ra được món ăn đúng vị, "phải tuân thủ đầy đủ các bước".
Theo đó, mỗi ngày, chị Dung tự tay đi chợ thật sớm để chọn lấy những nguyên liệu tươi ngon nhất rồi đem về chế biến. "Quán mở cửa từ sáng đến tối nên các nguyên liệu phải luôn được đảm bảo độ tươi. Một số thứ như dưa leo, hành ngò thì bán đến đâu tôi chuẩn bị đến đó", chị nói.
Nếu hủ tiếu thường thấy ở Sài Gòn được ăn kèm với giá hoặc hẹ thì quán này có món ăn dùng chung với dưa leo. Thịt đi kèm cũng là thịt nai, không phải heo hay gà. Tuy nhiên, bên trong tô thập cẩm còn có thêm vài miếng lá lách bò, ăn dai dai rất vui miệng.
Xem thêm hình ảnh và địa chỉ của quán
Nước lèo không phải được hầm từ xương hay có độ lỏng và trong như thường thấy mà được nấu từ công thức gia truyền, cho ra thứ nước sốt có màu vàng sóng sánh. Chủ quán cho biết, nước sốt này được làm từ hơn 20 loại gia vị khác nhau, trong đó có chứa hơn 10 vị thuốc Bắc. "Sa tế được tinh giảm để dịu bớt vị cay nồng, sau đó thêm vào một số nguyên liệu khác như đậu phộng, nước chấm Tàu", chị Dung bật mí.
Khi khách gọi món, đầu bếp sẽ trụng sơ hủ tiếu, thịt nai qua nước sôi. Sợi hủ tiếu ở đây giống như hầu hết các quán người Hoa khác trong thành phố, sợi to, bản dẹp và mềm như bánh phở nhưng mỏng hơn. Thịt nai rửa sạch, để ráo và không ướp bất kỳ loại gia vị nào. Trước khi chan nước sốt, đầu bếp còn cho thêm một vá nước cốt dừa. Nhờ đó mà món ăn thơm hơn, có thêm vị béo.
Món ăn bưng ra toả mùi thơm nức mũi. Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy thòm thèm bởi màu sắc của nước sốt sền sệt, bên trên là ít hành ngò xắt nhuyễn, nhấn nhá thêm gần chục miếng thịt nai còn ửng hồng. Khi ăn, bạn nhớ trộn đều lên rồi chậm rãi cho vào miệng từng đũa hủ tiếu mềm mại, kèm thêm vài cọng dưa leo còn giòn hay thịt nai, bạn sẽ cảm nhận được mùi vị đậm đà quyện chặt ở đầu lưỡi: vừa cay, vừa ngọt, vừa béo, vừa mặn.
Đi kèm còn có một chén nước dấm chua để chấm thịt. Khách có thể nêm thêm chút ớt hoặc chanh tuỳ theo sở thích. Người không thích chấm có thể chan chén nước này vào bên trong tô hủ tiếu rồi trộn lên. Vì nước sốt luôn được đun trên bếp lửa to nên khi món ăn dọn ra, bạn phải cẩn thận để không bị bỏng.
Nằm sau khu chợ Lớn, quán ăn của gia đình chị Dung không chỉ là điểm đến quen thuộc của người Hoa quanh khu vực mà còn là nơi du khách có thể tìm thấy một món ăn với cách nấu cùng hương vị khác lạ ở Sài Gòn. Quán có không gian không bề thế, nhưng sạch và thoáng. Bàn ghế được xếp gọn gàng, phục vụ đông nhất chừng 20 khách.
Ngoài món chính níu chân thực khách, quán còn phục vụ một số món ăn vặt. Thực đơn nước giải khát cũng đa dạng, có nhiều món do gia đình tự làm như nước sâm, rau má, sữa đậu nành, sữa bắp. Quán mở cửa đón khách từ sáng sớm cho đến 23h mỗi ngày.
Xem thêm: Quán 'chè ma' của gia đình người Hoa hơn 80 năm ở Sài Gòn