Rất nhiều du khách hào hứng với trải nghiệm ngồi trên lưng voi để chụp ảnh. Đáp ứng nhu cầu, nhiều khu bảo tồn động vật hoang dã đã mọc lên, trở thành “nơi trú ẩn” của loài voi, nhưng cũng đồng thời là nguồn thu cho ngành du lịch Thái Lan. Sarah Dean, nữ du khách Mỹ đã có dịp ghé thăm một trong những khu bảo tồn nhân đạo, vốn được biết đến như đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho loài voi để tìm hiểu rõ hơn về điều này.
Nơi Sarah ghé thăm là khu bảo tồn Voi rừng (Elephant Jungle Sanctuary), cách Chiang Mai một tiếng rưỡi lái xe về phía bắc Thái Lan. Tại đây du khách có thể được chụp ảnh cùng những con voi trong suốt 4 tiếng.
Thế nhưng khi đến nơi, điều đầu tiên cô bắt gặp là cảnh tượng một con voi với cái chân xiềng xích đang bị cột lại bên cạnh gốc cây. Theo lời quản tượng, con voi đực đang trong giai đoạn hung dữ và có sự thay đổi lớn trong hormones sinh sản. Vì thế nó cần phải bị xích lại.
Tuy nhiên, theo Sarah, bất kỳ loài vật nào trong giai đoạn nhạy cảm này cần được đưa vào rừng để thư giãn, thay vì xích lại bên một cái cây rất ít bóng râm, dưới nhiệt độ lên tới 39 độ. Tiến sĩ Jan Schmidt, cố vấn cao cấp của Tổ chức động vật hoang dã khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Voi vốn không thích hợp sống trong điều kiện nuôi nhốt, vì thế chăm sóc chúng như thế nào luôn là thách thức lớn nhất trong các khu bảo tồn”.
Helena Telkanranta, nhà sinh vật học, người sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Elephant Experts giải thích thời tiết nắng nóng là nguyên nhân khiến những con voi càng trở nên khó chịu. “Chúng cần phải được tiếp cận với nguồn nước, hút nước vào vòi để làm mát cơ thể”, cô cho biết.
Ngay khi vào tham quan khu bảo tồn, du khách cũng được cảnh báo về việc không được tỏ ra sợ hãi khi đưa mía và chuối cho voi ăn. Ngoài ra, họ cũng được nhắc nhở về những con voi còn “nhỏ và chưa được huấn luyện kỹ”, đánh dấu bằng tên gọi “crazy yaya”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Schmidt, điều này là không tốt bởi voi cần một chế độ ăn uống giàu chất xơ, bao gồm các loại cỏ, bụi dại và lá cây. “Mía và chuối không phải thứ thiết yếu của loài voi và có thể so sánh như đồ ngọt cho trẻ em vậy”, cô nói. “Bằng chứng là nhìn vào mắt của những con voi sẽ thấy chúng có nước như đang khóc. Nguyên nhân là do nó đã phải ăn quá nhiều đường”.
Trong suốt buổi cho ăn, Sarah nhận thấy quản tượng kiểm soát con voi bằng cách kéo vào tai nó và bảo với du khách rằng điều này không làm tổn thương chúng. “Kéo tai là cách phổ biến để điều khiển voi bởi đây là vị trí nhạy cảm, cũng giống như con người vậy”, Schmidt cho biết. “Tuy nhiên có một quan niệm sai lầm rằng voi có lớp da dày, như thế sẽ cảm thấy ít đau. Nhưng trên thực tế, các tế bào cảm nhận đau đều nằm trên bề mặt da và ngay lập tức gửi tín hiệu đến não”.
Vào mùa cao điểm, trung bình có khoảng 20-30 du khách tới thăm một trại voi ở Elephant Jungle Sanctuary. Tại đây có 5 trại tập trung như vậy. 7 năm trước, người ta thậm chí còn đưa những con voi nhỏ vượt đoạn đường 685 km từ Chiang Mai đến Bangkok để kiếm tiền nhờ khách du lịch. Mặc dù hiện khu bảo tồn đã cho chúng một cuộc sống tốt hơn nhưng việc giáo dục vẫn cần phải được thực hiện.
"Chủ sở hữu, quản tượng và nhân viên thường có ý tốt, nhưng họ không có cơ hội để tiếp cận những kiến thức khoa học về loài voi, dẫn đến việc chăm sóc chúng trở nên có vấn đề”, Telkanra cho biết.
Tuy nhiên, theo Sarah, việc voi phải làm theo hiệu lệnh của con người khiến chúng bị căng thẳng và điều nhân đạo nhất du khách có thể làm cho loài voi chính là dừng việc biến chúng thành thú vui tiêu khiển của mọi người.
Xem thêm: Cuộc gặp cảm động của voi con bị bắt làm du lịch và mẹ