Không bề thế, không biển hiệu, quán nhỏ của bà Nguyễn Thị Diệu Hương (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Diệu Hiền (55 tuổi) đã tồn tại 28 năm tại ngôi chợ lâu năm của người Hoa ở Sài Gòn.
Bà Hiền cho biết, cũng vì thích món bún bò Huế mà hai chị em quyết định chọn làm kế sinh nhai trong lúc khó khăn. "Thời đó, mỗi tô bún chỉ có giá vài nghìn đồng. Mới đó mà vật giá thay đổi, bây giờ đã 30.000 đồng một tô rồi", bà Hiền nhớ lại.
Mỗi ngày, bà Hương phải đến chợ từ 4h sáng để dọn hàng. Do sống gần chợ, bà Hương là người đầu tiên đến và chuẩn bị các công đoạn. Gia đình bà Hiền đang sống ở quận Bình Thạnh nên bà đến sau để phụ chị. Mọi nguyên liệu để nấu ăn đều được chủ quán chọn mua tại chợ Thiếc.
Nếu bún bò Huế là món chính được hai bà chủ bán suốt gần 30 năm, bún mọc là món mới được bà chủ thêm vào sau này để thêm sự lựa chọn cho thực khách.
"Thịt heo thì nhanh chín còn bò thì phải hầm lâu mới cho ra nước lèo như ý", bà Hương nói. Theo đó, nước lèo của quán được hầm từ xương bò nguyên chất. Nước có độ trong, thơm mùi sả, vị cay hơi the chứ không quá gắt.
Tuy nằm trong chợ người Hoa, món ăn ở đây không bị biến tấu, không nhiều dầu mỡ mà vẫn nguyên thuần vị bún bò Huế thường thấy. Nước lèo có vị cân đối, cũng không quá ngọt như vị người miền Nam. Khách ở đây đa phần là người ăn quen lâu năm.
Suất ăn được phục vụ kèm theo một phần rau sống hoặc trụng tuỳ theo khách yêu cầu. Trên bàn luôn để sẵn các đồ nêm như chanh, sa tế, mắm để khách tự ý thêm thắt.
Tuy không được chú ý nhiều, bún mọc cũng là lựa chọn lý tưởng để bạn đổi vị. Món ăn để lại ấn tượng bởi vị ngọt thanh của nước lèo. Mọc được vo viên nhỏ, dai và thơm. Suất ăn đầy đủ cũng có giá 30.000 đồng.
Lần nào đến chợ Thiếc, chị Hoa (quận Tân Bình) cũng ghé quán bà Hương. "Bún bò Huế ở đây khá dễ ăn, quán cũng sạch sẽ. Lần nào đi chợ tôi đều ghé ăn", chị Hoa nói.
Tuy đã nhiều năm gắn bó với công việc này, hai chị em bà Hương chưa một lần nghĩ sẽ dừng lại. Nếu bà Hương đứng ở bếp thì bà Hiền sẽ đảm nhận công việc bưng cho khách. Cứ như vậy mà hai chị em luân phiên nhau công việc suốt hàng chục năm qua.
"Cực khổ cũng đã qua hết rồi. Bây giờ mình buôn bán để kiếm thêm chút tiền mà trang trải cho cuộc sống. Tất cả là vì đàn con thân yêu", bà Hiền tâm sự.