Chủ nhật, 26/1/2025
Thứ sáu, 15/3/2019, 11:45 (GMT+7)

Nơi dân 'sống chung' với người chết ở Philippines

Một số gia đình ở Manila ăn ngủ, xem tivi, hát karaoke sát ngay cạnh những ngôi mộ.

Cuộc sống ở nghĩa trang lớn nhất Manila
 
 

Video: YouTube.

Nghĩa trang Bắc Manila (Philippines) là nơi được mệnh danh "chỗ người chết ở cùng người sống". Đây cũng là khu vực sinh sống của 10.000 người dân Philippines nghèo khó. Họ dựng nhà tạm bợ trên những ngôi mộ, hoặc lăng còn trống. Tại đây, người dân ăn, ngủ, xem tivi, phơi quần áo, chăm sóc con cái và thậm chí là hát karaoke.

Khi đến thăm nơi này, Lauren Clark, nhà báo Mỹ, đã làm quen với hai cậu bé Ley và James. Chúng dẫn Lauren tới thăm phòng ngủ của mình. Nhưng đó không phải một căn phòng dán đầy ảnh các ca sĩ, diễn viên thần tượng hay chật kín đồ chơi như chỗ ở của những đứa trẻ khác. Giường của chúng là mộ của những người chết.

Lauren cho biết, câu chuyện mà cô được nghe có vẻ rất đáng sợ. Nhưng người dân nói rằng điều kiện sống ở đây thậm chí còn tốt hơn những thị trấn tồi tàn gần đó. Nơi này không chỉ cho họ chỗ trú ẩn, còn giúp họ có tiền. Nhiều người kiếm sống bằng việc khắc bia cho những người chết. Số khác nhận chăm sóc các mộ, tiền công khoảng 400 USD một năm. Số còn lại nhận việc đào mộ, chôn cất...

"Phần lớn mọi người không có thu nhập ổn định. Chúng tôi cố gắng tìm những công việc lặt vặt để kiếm tiền. Chúng tôi bán hoa cho những gia đình có người thân chôn cất, làm bia mộ, quan tài", Elvira Miranda, 68 tuổi, người sống ở nghĩa trang được 51 năm, nói trên Guardian.

Mỗi ngày, có khoảng 80 đám tang diễn ra ở đây. Do đó, công việc dành cho những người này cũng không ít. Nhờ đó, họ có thể sống qua ngày. Nhưng theo thời gian, số đất dành cho người đã khuất không còn nhiều.

Người dân cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như không có nước máy, thiếu hệ thống nước thải sinh hoạt... Nhưng bù lại, không ai mất tiền thuê nhà. Jane de Asis, 26 tuổi, sống cùng con, chị gái và mẹ trong một lăng mộ, nơi cô được người chủ trả tiền trông coi hàng năm, nói rằng vào mùa hè, nơi đây rất nóng bức. Mọi người cũng phải xếp hàng mỗi ngày ở các giếng nước công cộng để lấy nước sinh hoạt.

Nhiều người đã lớn lên ở nghĩa trang, từ khi họ còn là những đứa trẻ chập chững biết đi và nay đã lên chức ông, bà. Họ không có ý định rời khỏi nơi này. Trên ảnh, Christian, 28 tuổi, đang cho con gái bú bình trên một ngôi mộ.

Ngoài các ngôi nhà được lợp bằng mái tôn tạm bợ, nghĩa trang còn có các cửa hàng tạp hóa bán đồ ăn nhẹ, đồ uống và đôi khi là đồ cúng người đã khuất. Trong vùng cũng có một phòng hát karaoke để người dân giải trí. Trên ảnh là Lui, 22 tuổi, làm việc cho một cửa hàng thức ăn nhanh. Buổi tối, anh ngủ trên những ngôi mộ cùng bố mẹ và bạn gái.

"Đó là nơi vợ chồng tôi ngủ khi trời mưa", Edwin Orcocoy, người đã sống ở nghĩa trang 19 năm, cho biết. Một người khác cho biết, lý do để anh sống ở đây là: "Tôi muốn được nhìn thấy mộ của con trai mình mỗi khi thức dậy". Trên ảnh là Kambal, anh đã sống ở đây 11 năm.

Medina, làm công việc chôn cất người chết, cho biết, nghĩa trang không hề ma quái như những lời đồn đại: "Ở đây không có ma, nhưng khi chôn cất người chết tôi luôn nói lời xin lỗi họ. Tôi muốn thể hiện sự tôn trọng với họ". Trên ảnh là Zasho, anh đang đứng cạnh chiếc tivi mua được sau thời gian tích cóp tiền. Nó được đặt trên một ngôi mộ.

Manila North có diện tích hơn 500.000 m2, là một trong những nơi chôn cất lớn nhất tại Philippines. Đây là nơi an nghỉ của nhiều chính trị gia, ngôi sao điện ảnh, các nhà văn nổi tiếng. Do vậy, nhiều ngôi mộ ở đây được xây rất to, có nơi được xây như một lăng mộ. Nghĩa trang mở cửa từ năm 1904 và đến cuối những năm 1950, nó đã trở thành "nhà" của khoảng 10.000 người nghèo.

Chính vì sự khác biệt này mà nơi đây cũng là một trong những địa điểm du khách thường ghé thăm. Tại Manila, nhiều hãng lữ hành bán tour vòng quanh các nghĩa trang của thành phố, và North Manila là địa điểm đầu tiên trong danh sách. Tour thường bắt đầu từ 7h đến 19h. Nhiều du khách đã để lại phản hồi tích cực trên TripAdvisor và cho rằng đó không chỉ là địa điểm lịch sử mà còn là nơi để mọi người suy ngẫm, cũng như hiểu rõ hơn phần nào cuộc sống của tầng lớp nghèo khó ở Philippines.

Anh Minh
Theo Sun

Anh Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net