Các tuyến leo núi ở Tây Bắc thường dài 2 – 3 ngày, người leo núi tiến dần vào trong rừng sâu, núi cao hiểm trở hiếm dấu chân người. Những đoàn trek đều cần người dẫn đoàn, đồng thời là nhà tổ chức, thường là trekker giàu kinh nghiệm. Bạn đồng hành trong suốt hành trình của họ là những người gùi đồ kiêm dẫn đường (porter).
Porters là người bản địa, thường thuộc dân tộc ít người. Những phẩm chất bắt buộc của một porter là sức khỏe tốt, dẻo dai, thông thuộc địa hình, địa mạo và quan trọng nhất là có kinh nghiệm đi rừng dài ngày. Nhiều người Mông, Dao ở Tây Bắc ngày nay đã coi porter là nghề chính, thay vì làm nông nghiệp như trước đây. Trung bình hàng tháng, họ đi từ 2 đến 4 chuyến, với thu nhập khoảng 300.000 – 500.000 đồng một ngày công cho mỗi người, tùy theo độ khó của cung đường, chưa kể tip. Pusilung - nóc nhà vùng biên hiện được coi là cung leo núi khó nhất Việt Nam, với tổng quãng đường 60 km, thời gian leo 3 ngày 2 đêm.
Anh A Giáo, porter người Mông ở Sa Pa cho biết, anh dẫn đoàn leo Fansipan cách đây 14 năm, khi tròn 14 tuổi. Khi có cáp treo, nhiều cung đường khác mở ra khiến A Giáo có thêm việc làm. Năm ngoái, anh thực hiện khoảng 30 chuyến. Từ đầu tháng 9 năm nay, A Giáo đã đưa 7 đoàn chinh phục thành công các đỉnh Pusilung và Pờ Ma Lung.
Theo anh Lãnh Văn Toan, người tổ chức và dẫn tour leo núi ở Tây Bắc thường làm việc với vài nhóm porter thân thiết. Khi có khách muốn lên đường, nhà tổ chức tour chỉ cần liên hệ với trưởng nhóm porter rồi đưa yêu cầu về ngày leo, số lượng người, nhu yếu phẩm cần chuẩn bị. Trưởng nhóm porter chịu trách nhiệm đáp ứng tất cả yêu cầu này. "Thường 2-3 khách sẽ có một porter. Với đoàn không quen leo núi, họ sẽ yêu cầu mỗi khách một porter đi kèm", anh Toan nói.
Trên đường đi, mỗi porter gùi khoảng 20 – 30 kg nhu yếu phẩm cho cả chuyến đi và đồ đạc của khách. Một số cung leo chưa có lán nghỉ, porter sẽ mang theo lều trại và túi ngủ. Thông thường, khách chỉ đeo balo nhỏ đựng nước, đồ ăn nhẹ và áo khoác mỏng. Người không quen leo sẽ nhờ porter mang hết đồ giúp họ.
Anh Nguyễn Trung Kiên, một nhà tổ chức tour ở Sa Pa chia sẻ, hầu hết porter đều chăm chỉ, thật thà và có trách nhiệm "Nhưng họ không phải là người giỏi tổ chức và biết ưu tiên công việc. Bao giờ tôi cũng phải phân công các việc, dặn anh em luôn đi kèm khách. Nếu đoàn tách nhau vì vấn đề thể lực, cần giữ cự ly giữa các nhóm để tránh bị lạc, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho từng người", anh Kiên nói.
Mỗi đoàn luôn có một đến hai porter đi cuối để chốt đoàn. Khi gần đến nơi dừng chân, một số porter sẽ đến trước để dọn dẹp lán nghỉ, đun nước nóng cho khách tắm và chuẩn bị bữa tối. Các porter luôn phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Họ cũng là người ngủ cuối cùng sau khi đã dọn dẹp, chuẩn bị đồ cho hành trình hôm sau. Khi người leo núi bị ngã hoặc chấn thương trên hành trình, porter chịu trách nhiệm dìu khách xuống núi, nếu bị nặng sẽ vận chuyển bằng cáng.
Mùa leo núi thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm. Đây là giai đoạn thời tiết mát mẻ, khô ráo, giúp cho người leo đỡ mệt và mất nước. Các loài cây rừng vào mùa trổ bông, khiến khung cảnh thiên nhiên vùng cao thêm sắc màu rực rỡ. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng làm cho biển mây trên những đỉnh núi đẹp hơn. "Rất hiếm đoàn leo núi mùa hè vì nắng nóng và mưa rừng, lũ quét rất nguy hiểm. Trong những tháng hè, chúng tôi thường chỉ làm việc nhà", A Hử, một trưởng nhóm porter người Mông kể lại.
Sai lầm mà nhiều nhóm khách trẻ, đông người thường mắc phải là chỉ thuê một đến hai porter dẫn đường và tự đeo đồ cá nhân. Theo anh Lãnh Văn Toan, chuyến leo núi không chỉ là một cuộc thử sức khỏe, nó còn là dịp để mỗi người thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Việc tự mang đồ trên hành trình leo núi rất nặng nề, thậm chí gây nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới trải nghiệm của người leo. Trường hợp bị lạc, việc tìm kiếm kéo dài cũng gây ra nhiều khó khăn cho đơn vị tổ chức, chính quyền địa phương.
"Ngoài dẫn đường, porter là bạn đồng hành, sẽ chỉ cho bạn biết về các loài cây, chim, thú trong rừng hay phong tục tập quán của địa phương. Bạn sẽ không thể có những trải nghiệm này nếu thiếu porter trong hành trình", anh Toan khuyên.
Bên cạnh những rủi ro từ tự nhiên, khách leo núi thiếu porter có thể gặp vấn đề liên quan đến pháp luật. Nhiều cung đường leo giáp biên với Trung Quốc, nếu thiếu người dẫn đường, du khách dễ dàng đi lạc và gặp rắc rối.
Theo ước tính của anh Kiên, trekker từ miền Nam ra chinh phục các đỉnh thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hiện đã chiếm gần một nửa tổng số khách. Du khách nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt và luyện tập kỹ trước khi leo để tránh các chấn thương phổ biến như viêm đầu gối, cổ chân.
Xem ảnh những người gùi đồ cho khách leo núi
Đức Hùng