Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 26/3/2020, 00:09 (GMT+7)

Những mùa hoa bị bỏ lỡ

Dịch bệnh khiến hoạt động du lịch buộc phải hủy bỏ, trong khi những mùa hoa khắp trong, ngoài nước vẫn khoe sắc theo vòng quay của đất trời.

Hoa sưa gắn liền với thời gian chuyển mùa, từ đông sang xuân. Năm nay, do thời tiết thất thường, nắng ấm sau những ngày lạnh giá nên hoa sưa nở từ cuối tháng 2, sớm hơn hàng năm. Hoa sưa mọc thành chùm, kích thước mỗi bông 7 - 9 mm, mùi thơm nhẹ.

Mỗi năm, sưa chỉ nở một lần, kéo dài khoảng một tuần. Hà Nội hiện có hơn 1.400 cây sưa, được trồng nhiều ở trên đường Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, hồ Giảng Võ, công viên Thống Nhất... Ảnh: Giang Trịnh.

Tháng ba, trên nhiều con phố ở Hà Nội lại thơm nhè nhẹ mùi hoa bưởi từ những quầy, gánh hàng hoa chậm rãi đi khắp phố phường. Hoa bưởi mang vẻ ngoài mộc mạc nhưng hương thì nổi trội, chưa thấy hoa nhưng đã có thể cảm nhận được mùi thơm thanh khiết.

Người Hà Nội có thói quen mua hoa bưởi về đặt lên đĩa thắp hương, cắm trong lọ nhỏ, ướp trà, nấu chè hoặc gội đầu. Ảnh: hachi8.

Hoa ban là một trong những biểu tượng của vùng Tây Bắc. Địa phương nổi tiếng với những rừng ban nở trắng đồi núi trong tháng 3 là Sơn La và Điện Biên. Du khách có thể bắt gặp mùa hoa khi chạy xe trên nhiều tuyến đường ở hai địa phương này.

Năm nay, lễ hội hoa ban (Điện Biên) cũng bị dừng tổ chức vì Covid-19. Ở Hà Nội, hoa ban được trồng nhiều nhất là khu vực lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tuyến đường như Điện Biên Phủ, Thanh Niên, Trần Phú. Ảnh: Ngọc Thành.

Hoa gạo rất quen thuộc với các làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, thường được trồng ở đầu làng hay giữa cánh đồng. Trong mùa hoa, cây rụng hết lá, chỉ có những bông hoa đỏ rực trên cành, nổi bật trên nền trời.

Hoa gạo nở có 5 cánh, mùa hoa kéo dài gần một tháng và rụng dần trước khi cây ra lá non. Còn có tên gọi khác là mộc miên hay pơ lang, nhiều địa phương khác cũng nổi tiếng với mùa hoa gạo như Hà Giang (ven sông Nho Quế), Sơn La, Huế, Quảng Ngãi. Ảnh: Kelvin Long.

Xem thêm: Mùa hoa gạo ở Huế.

Phượng tím thường nở vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, mang đến vẻ đẹp dịu dàng, man mác buồn ở Đà Lạt. Đây cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam trồng phượng tím trên đường phố.

Địa điểm được nhiều người “săn hoa” tìm đến nhất là cây phượng cổ thụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần chợ Đà Lạt. Các điểm du lịch nổi tiếng khác của phố núi có hoa phượng tím là hồ Xuân Hương, Thiền viện Trúc Lâm và thung lũng Tình yêu. Ảnh: Trần Quang Anh.

Hoa cà phê là nét đặc trưng của Tây Nguyên. Mỗi năm hoa thường nở khoảng 2-3 đợt, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, mỗi đợt dài từ 7 đến 10 ngày nên không phải ai cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng.

Nhiều nơi trồng cây cà phê, nhưng Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là nơi có những rừng hoa cà phê lớn nhất. Chỉ qua một đêm, những cánh rừng cà phê xanh chuyển hoa trắng dưới bầu trời trong xanh và cái nắng dịu nhẹ. Hoa cà phê nở thành từng chùm, mùi hương dịu nhẹ lan toả, quyến rũ ong bướm khắp nơi bay về hút mật. Ảnh: Phong Vinh.

Với những tín đồ du lịch nước ngoài, tháng 3 là lúc lên đường đi ngắm hoa anh đào tại hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

Từ cuối tháng 2 tại tỉnh Okinawa đến đầu tháng 5 tại tỉnh Hokkaido, Nhật Bản ngập trong màu trắng hồng và mùi hương dịu nhẹ.

“Xứ sở kim chi” Hàn Quốc cũng không kém cạnh bởi sắc hoa anh đào phủ khắp các nẻo đường dài hàng km ở các thành phố như Busan, Seoul mỗi độ xuân sang.

Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh khiến chính quyền phải hủy tổ chức lễ hội hoa anh đào ở Washington DC và live stream để công chúng thưởng thức mùa hoa, giống như cách truyền thông Trung Quốc phát trực tiếp cảnh mùa hoa anh đào ở đại học Vũ Hán khi thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa. Ảnh: jiratto/Shutterstock.

Hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansiapan
 
 

Hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan nở rộ từ giữa tháng 3. Video: Nhịp đập Việt Nam. 

Kiều Dương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net