Tháng 12/2014, Việt Nam phát hiện thêm một hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Phát hiện này mở ra nhiều cơ hội cho người yêu thích du lịch mạo hiểm ngoài các địa danh như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha Kẻ Bàng.... Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được điều cần biết khi khám phá những nơi này. Dưới đây là một số lưu ý bạn nên trang bị cho chuyến đi của mình.
Trang thiết bị
Trang phục: Các hang động thường lạnh và khá ẩm thấp, do vậy bạn nên chuẩn bị trang phục dày, không thấm nước và thuận tiện cho việc đi bộ, leo trèo… Để cơ thể không bị giảm nhiệt, bạn hãy mặc thêm áo khoác hoặc áo len để giữ ấm.
Phần đầu gối và khuỷu tay phải mang đệm lót đề phòng trường hợp trườn, bò trong những lối đi chật hẹp. Ngoài ra bạn cũng nên đặt sẵn một bộ quần áo sạch ở miệng hang để mặc trước khi về nhà.
Dụng cụ mang theo: Các dụng cụ cơ bản cần có là đèn chiếu sáng, mũ bảo hiểm, bản đồ hang động, nến, diêm không thấm nước, khoen bầu dục, khoen số 8, dây, thang dây, găng tay, thuốc lọc nước, túi cứu thương, la bàn. Ngoài ra bạn cần lưu ý một số điều sau:
Đèn chiếu sáng: Bạn nên sử dụng đèn có công suất cao và sử dụng được lâu. Mỗi người nên chuẩn bị ít nhất 3 chiếc (có mang theo pin và bóng dự phòng).
Trường hợp chỉ chiếc đèn cuối cùng còn pin, bạn phải quay trở lại ngay. Nếu không còn thiết bị chiếu sáng nào sử dụng được, bạn cần ngồi nguyên tại chỗ để chờ cứu hộ. Việc di chuyển trong bóng tối lúc này sẽ hết sức nguy hiểm.
Mũ bảo hiểm: Một số vòm trần của hang thường gồ ghề và có thạch nhũ do vậy bạn nên sử dụng loại mũ leo núi. Nếu không có, bạn hãy thay thế bằng mũ của công nhân hoặc mũ bảo hiểm.
Nước và thực phẩm: Bạn nên mang theo nước và thuốc lọc vì nước trong hang không đảm bảo an toàn. Tùy lịch trình dự kiến mà bạn mang theo lượng nước phù hợp. Các loại thực phẩm cần thiết là trái cây, viên đạm tổng hợp và thức ăn liền đóng hộp.
Túi đeo hông nhỏ: Bạn nên sử dụng túi đeo hông nhỏ để đựng các trang thiết bị hay sử dụng nhất.
Tùy theo cấu trúc hang động và mục đích mà bạn nên mang theo các dụng cụ cần thiết. Một số nơi có sông ngầm, bạn nên mang theo xuồng cao su và đồ lặn. Với nơi lần đầu khám phá, bạn chỉ nên mang những trang thiết bị cơ bản.
Chú ý khi thám hiểm
Các thành viên nên giữ khoảng cách đều nhau khi di chuyển. Người có kinh nghiệm nhất đi đầu và người khá giỏi đi cuối. Khi các thành viên không bắt kịp nhau, người đi trước phải dừng lại chờ để đội hình ổn định trở lại. Bạn cũng nên quan sát người đi đầu để điều chỉnh nhịp đi của mình.
Nếu chưa có kinh nghiệm bạn hãy đem theo những cuộn dây nhỏ có màu sáng (tốt nhất là màu trắng). Khi tới vùng tối, bạn hãy buộc một đầu dây vào lối đi rồi thả theo bước chân mình.
Không nên làm xáo trộn nhịp sống của các sinh vật sinh sống trong hang như dơi, rắn... vì chúng có thể gây nguy hiểm cho bạn. Trường hợp bị cắn, bạn hãy rửa sạch vết thương rồi băng lại.
Khi bị lạc, bạn nên bình tĩnh để đánh giá tình hình. Hãy thắp nến và tắt tất cả đèn pin để bảo toàn năng lượng và cố gắng nhớ đường đã đi để quay lại. Nếu không thấy bạn, đội cứu hộ sẽ đi tìm. Do vậy bạn nên ngồi lại tại chỗ, nghe ngóng và chờ đợi.
Trường hợp gặp chướng ngại không thể vượt qua, bạn hãy trở lại để tránh xảy ra các tai nạn không đáng có.
Không nên đi một mình.
Không sử dụng những sợi dây cũ hay thang mục tìm thấy trong hang.
Chú ý khác
Bạn nên soạn kế hoạch chi tiết nhất, ghi chép thật chính xác vị trí cửa hang, hướng đã di chuyển, điểm đã qua… sau đó kẹp chung với lịch trình. Điều này sẽ giúp đội cứu hộ triển khai kế hoạch tìm kiếm nhanh hơn nếu chẳng may bạn bị lạc.
Diệu Huyền