Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi nói đến Sơn Đoòng là Hồ Khanh và Howard Limbert. Nhưng ít ai biết rằng trong hành trình đưa Sơn Đoòng ra thế giới còn có sự góp sức thầm lặng và bền bỉ của một người đàn ông nặng nợ với quê hương Quảng Bình, anh Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty Oxalis (Chua me đất).
Trong trận lũ lịch sử năm 2010, khi Nguyễn Châu Á ngồi trên nóc nhà nhìn quê hương mình bị nhấn chìm, đồ đạc trôi theo dòng nước, trong đầu anh đau đáu câu hỏi: "Vì sao Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới với hệ thống hang động tuyệt đẹp mà cái nghèo cứ bám riết lấy người dân?".
Rồi anh quyết định bàn giao công ty đang hoạt động ở Sài Gòn cho đồng sự và trở về quê nhà, đầu tư vào Phong Nha - Kẻ Bàng. Anh muốn những người đồng hương thoát được cái nghèo, có công ăn việc làm ổn định.
Chọn 6.000 khách thay vì 500.000 khách mỗi năm
Năm 2011, Sơn Đoòng vẫn là một cái tên lạ lẫm với người dân Việt Nam và thế giới. Ý tưởng khai thác tour khám phá hang Sơn Đoòng của anh Châu Á lúc bấy giờ bị nhiều người cho là "khùng". Khách quyết định mua tour còn "khùng" hơn nữa khi "đi nghỉ dưỡng, phơi nắng, tắm biển sung sướng không chịu, lại chọn lặn lội sông suối, leo trèo băng rừng, người từ đầu đến chân dính bùn, phờ phạc".
Nhiều người thắc mắc: "Sao khách Tây lại chịu bỏ ra một số tiền lớn như vậy (64,5 triệu đồng/người cho 7 ngày 6 đêm) chỉ để vào hang? Sao không xuống mấy cái resort cho sướng?". Nhưng chỉ những ai đã vào Sơn Đoòng và tận mắt chứng kiến thiên nhiên được bảo tồn ra sao sẽ tự trả lời được câu hỏi này.
Để đánh giá một loại hình du lịch có thành công hay không, người ta quan tâm mỗi năm bao nhiêu khách quốc tế đến. Con số đó được coi là thước đo hiệu quả. Nhưng từ khi quyết định khai thác Sơn Đoòng, mỗi năm công ty chỉ đón 6.000 khách. Đối với Nguyễn Châu Á, việc thu hút trên 500.000 khách "nằm trong tầm tay", nhưng anh chọn con số khiêm tốn này vì tin đó là cách phát triển du lịch bền vững.
Hai năm thuyết phục Hiệp hội Hang động Anh
Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCA) đến Phong Nha - Kẻ Bàng được 25 năm. Mối quan hệ giữa Nguyễn Châu Á và BCA đã có sẵn, nhưng để họ giúp khai thác Sơn Đoòng, biến nó thành tour chủ chốt lại là việc hoàn toàn khác. "Phải mất hai năm để chứng minh cho BCA rằng tôi muốn tạo việc làm cho dân địa phương và nỗ lực bảo tồn hang động ở trạng thái tốt nhất", anh Châu Á cho biết.
Thậm chí công ty của anh phải cung cấp cho BCA phiếu chi tiền cho porter (người khuân vác) để họ kiểm tra đó có phải người dân địa phương không. Sự chân thành của Châu Á đã thuyết phục được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh. Họ đồng ý hỗ trợ với đồng sự là ông Howard Limbert. "Nếu công ty khai thác mô hình khác, chắc chắn Hiệp hội sẽ không giúp đỡ. Cái gì cũng cần sự chân thành, thiếu cái này sẽ không có gì cả", Châu Á bộc bạch.
Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đồng ý hợp tác khai thác Sơn Đoòng vì họ nhìn thấy được cách làm thực tế của công ty anh ở Tú Làn và hang Én. Châu Á lúc bấy giờ nói với họ rằng chỉ có Sơn Đoòng mới gây được tiếng vang giúp Quảng Bình phát triển và những thành viên trong Hiệp hội cũng mong Quảng Bình đi lên, dân đi rừng có việc làm ổn định.
Ngoài hang Sơn Đoòng, giấy phép của công ty còn cho phép họ khai thác hang Én, hang Va thuộc vườn quốc gia và cấp phép hàng năm. Tú Làn và hang Tiên được cấp phép hoạt động lâu dài. Anh tiếp lời: "Nếu xét về khía cạnh kinh doanh thì rủi ro cao, nhưng tôi vẫn làm vì nếu công ty không được thì Quảng Bình cũng sẽ được. Đây là quê hương của tôi".
Trước khi hợp tác với Howard Limbert, công ty đã xác định đầu tư nghiêm túc và chuẩn bị nguồn vốn tốt, nhưng anh Châu Á vẫn gặp khó khăn không biết mua cái gì, ở đâu và quẩn quanh với những thiết bị kém chất lượng. Cho đến khi hai bên bắt đầu làm việc cùng nhau, anh được ông Howard tư vấn. Công sức lẫn tiền bạc đều tốn kém hơn nhiều lần, nhưng "tiêu chí của BCA là an toàn và bảo tồn, mình đáp ứng được điều đó nên đã trao cho họ niềm tin", vị giám đốc Oxalis nói.
"Phải làm sao để porter ăn kẹo xong bỏ vỏ vào túi"
Đối với Châu Á, từ lúc bắt đầu đến nay, khó khăn lớn nhất chính là đào tạo nhân lực chuyên nghiệp. Công ty đã có một chuyển biến rõ rệt, mạnh mẽ khi từ 3 người với 15 porter năm đầu tiên tăng lên 70 người và 200 porter trong năm 2015.
Việc tìm người không hề dễ dàng, đào tạo lại mất thời gian. Phía Hiệp hội cũng thường xuyên giám sát các hướng dẫn điều hành. Phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo được người hội tụ đủ các yếu tố như tiếng Anh, thói quen sống, cách tư duy, làm việc… 90% nhân lực được sử dụng là người Quảng Bình. Ban đầu, chính Châu Á vừa làm giám đốc, vừa trực tiếp đào tạo.
Lực lượng porter trở nên chuyên nghiệp hơn cũng nhờ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh và du khách. Khách Tây hay khen nên tinh thần anh em lên, chẳng hạn ăn một bữa cơm trong rừng họ khen ngay, đầu bếp “khoái” lắm, lần sau lại làm ngon hơn. Khách Việt tham gia tour ý thức cũng rất cao. Công ty vốn có 13 nguyên tắc và khách vi phạm thì hướng dẫn có quyền mời về, không được tiếp tục tham gia.
“Mình phải làm sao để một porter khi hút thuốc hay ăn kẹo xong lập tức bỏ vỏ và tàn thuốc ngay vào túi. Mất rất nhiều thời gian cho việc đào tạo nhưng hiện giờ khá tốt . Những người làm trước đây đã biết đào tạo cho lực lượng mới”, anh Châu Á chia sẻ.
Thảo Nghi